Mọi luận điệu không thể chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19
Cùng với thế giới, nhân dân Việt Nam đang đối mặt với cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam được phát huy cao độ với quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Thế nhưng núp bóng phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức khủng bố Việt Tân và một số kẻ phản động đưa ra những tư tưởng, luận điệu sai trái nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm ý chí, niềm tin và sức mạnh tổng hợp của Việt Nam.
Một số quan điểm, luận điệu sai trái
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch, hàng chục nghìn sinh viên, tình nguyện viên, lực lượng y tế, quân đội, công an từ các cơ quan, đơn vị phía Bắc được huy động vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách, thể hiện tinh thần đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm chiến đấu với dịch COVID-19 của Việt Nam. Thế nhưng những cái đầu hoang tưởng của một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam lại cho rằng: Đang có một “âm mưu chính trị” đằng sau lý do đưa lực lượng vào giúp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch.
Thâm độc hơn, một số luận điệu gợi lại “tâm lý vùng miền cát cứ” hòng kích động chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Lợi dụng một vài trục trặc trong quá trình phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19, một số người giở trò “ăn không nói có”, “bé xé thành to” xuyên tạc, dựng chuyện rằng các tình nguyện viên người miền Bắc “ngại khó, ngại khổ… thờ ơ” trước tính mạng, sức khỏe của người dân miền Nam. Bằng lối suy diễn chủ quan, phiến diện một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam, cho rằng: “Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có thể tự phòng, chống dịch COVID-19 chứ không cần người miền Bắc vào giúp đỡ”. Từ đó họ kích động người dân địa phương sở tại tẩy chay, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống dịch của các lực lượng tuyến đầu từ phía Bắc vào hỗ trợ.
Thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) được huy động phối hợp với chính quyền, lực lượng y tế và người dân phòng, chống dịch. Chủ trương, hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn này cũng bị chúng bóp méo, xuyên tạc rằng: Đưa quân đội vào chống dịch là “vi hiến”, là nhằm “mục đích an ninh, quốc phòng” chứ không vì chống dịch, bảo vệ dân. Có kẻ còn hoài nghi nêu câu hỏi “chống dân” hay “chống dịch”? Đây là luận điệu mang đầy dã tâm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm sức mạnh của quân và dân Việt Nam trong phòng, chống dịch.
Không chỉ vậy, chúng còn rêu rao rằng: “miền Nam và miền Bắc không thể là một trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19″(!). Để phụ họa cho những giọng lưỡi hiểm độc ấy, chúng tìm cách vừa ẩn chìm, tinh vi, vừa công khai, trắng trợn gợi lại “tâm lý vùng miền cát cứ”, khoét vào vết thương đã lành về một thời chiến tranh chia cắt hai miền Nam – Bắc trong lịch sử dân tộc.vv… Tất cả những luận điệu ấy không nhằm động cơ gì khác là làm suy giảm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.
Không thể phủ nhận sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức. Vấn đề ấy đã được lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rất rõ. Cụ thể hóa điều ấy vào cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 cần nhận thức đây là nhiệm vụ của toàn dân. Thành công của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất và được tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.
Đối với mỗi Đảng Cộng sản, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử tiên phong của mình thì không thể không quan tâm xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong cả tư tưởng và hành động. Bởi đoàn kết thống nhất chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Đề cập đến chủ đề này, V.I.Lênin đã viết: “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận và vô địch của Đảng”{1}.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong những thời khắc lịch sử, trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp như phòng, chống dịch bệnh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất. Đảng ta coi đoàn kết trong nội bộ Đảng là cơ sở nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão tố, thác ghềnh tới bến vinh quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”{2}.
Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh chỉ khi nào nhân dân ta đoàn kết thống nhất muôn người như một thì nước nhà mới được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và thịnh vượng. Ngược lại, lúc nào đó mà nội bộ ta chia rẽ mất đoàn kết, dân ta không đồng lòng thì dân tộc ta sẽ rơi vào cảnh “nước mất, nhà tan”. Thấm nhuần bài học lịch sử ấy, trong thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh đoàn kết toàn dân đã phát triển nâng lên một tầm cao mới, một giá trị mới, đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chính sức mạnh ấy đã đưa tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Chính sức mạnh ấy đã đưa tới Chiến thắng 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chính nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhân dân ta tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Gợi lại “tâm lý vùng miền cát cứ” hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc – một chiêu trò mà các thế lực thù địch đã nhiều lần sử dụng để chống phá Việt Nam. Đặc biệt trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, chúng càng gia tăng bằng nhiều chiêu thức tinh vi, biến ảo khác nhau. Nhưng chúng đã lầm, để dải đất hình chữ S này có được hòa bình, độc lập, thống nhất; tình hình chính trị và xã hội ổn định phát triển như hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao cuộc đấu tranh trường kỳ và đầy gian khổ, hy sinh chống thù trong giặc ngoài. Để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay nhân dân Việt Nam đã phải lao động cần cù, sáng tạo; đổ biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thấm thía và hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; giá trị của sự đoàn kết thống nhất. Cả dân tộc Việt Nam không ai dại gì mà mong trở lại cái quá khứ đau thương, cảnh nước nhà, núi sông chia cắt.
Trân trọng thành quả giành được, nhân dân Việt Nam luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết một lòng giữ gìn nền hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất ấy bằng tất cả tinh thần và lực lượng. Cố tình gợi lại “tâm lý vùng miền cát cứ” nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam là âm mưu thâm hiểm chỉ có ở những kẻ mang tâm địa xấu xa và động cơ đen tối. Nhưng dù bằng luận điệu, chiêu trò gì, thâm độc, nham hiểm đến đâu đi chăng nữa, chúng cũng không thể phủ nhận được vai trò và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cũng không thể lừa bịp được nhân dân Việt Nam.
Chủ trương huy động cán bộ, chiến sĩ Quân đội tham gia phòng, chống dịch COVID-19 mà Việt Nam thực hiện là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đúng với quan điểm, đường lối của Đảng ta và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Mặc dù đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống còn khá mới mẻ nhưng Đảng ta rất chú trọng và đã đề cập trong nhiều văn kiện. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống;…”{3}. Trên cơ sở đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ đặt ra trong tương lai là “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống…”{4}.
Không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp năm 2013 đã dành toàn bộ Chương IV để hiến định các vấn đề về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó xác định rất rõ LLVT nhân dân Việt Nam, gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. LLVT phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ của LLVT là: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam xác định dịch bệnh là một dạng thách thức an ninh phi truyền thống hết sức nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng con người, mà còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Ứng phó thắng lợi mọi tình huống an ninh phi truyền thống là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó, Quân đội nhân dân là nòng cốt, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “1. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân….”. Cũng theo Điều 23, lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm: “a) Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, ngành, Trung ương, địa phương; b) Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia”.
Thực tế gần 2 năm xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò. Không kể ngày đêm, mưa nắng; bất chấp gian khó, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của công tác phòng, chống dịch. Sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội được Đảng, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Cần phải khẳng định mạnh mẽ rằng, việc sử dụng Quân đội tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là hoàn toàn phù hợp với thực tế, đúng với quan điểm, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013 cũng Luật Quốc phòng năm 2018 của Nhà nước Việt Nam. Luận điệu cho rằng đưa Quân đội tham gia chống dịch là “vi hiến”, vì “lý do an ninh, quốc phòng” mà các thế lực thù địch rêu rao là hoàn toàn sai trái. Mục đích của chúng không gì khác là kích động nhân dân tẩy chay LLVT nói chung và Quân đội nói riêng tham gia phòng, chống dịch; chia rẽ tình đoàn kết máu thịt quân – dân.
Chúng dựng chuyện rằng: Đang có một “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Thế nhưng, ngay cả những cái đầu hoang tưởng nhất cũng chẳng hình dung nổi cái “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch là gì? Ngược lại, chỉ thấy một sự thật sinh động hiện hữu mà mọi người dân đều biết, đó là cả dân tộc Việt Nam đang đồng lòng, chung sức quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Chủ động, tích cực đấu tranh với những luận điệu sai trái
Lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh để chống phá Việt Nam là mưu đồ không bao giờ từ bỏ của các thế lực thù địch. Thông qua mạng xã hội và một số phần tử bất mãn chính trị ở trong nước, các thế lực thù địch từng phút, từng giờ bám sát, theo dõi nắm bắt các thông tin có liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, phức tạp của Việt Nam để tìm cách bóp méo, xuyên tạc chống phá. Để chủ động, tích cực đấu tranh với những mưu đồ đen tối đó chúng ta cần tiến hành đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả nhiều giải pháp.
Trước hết, cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với tuyên truyền, giáo dục về tình hình nhiệm vụ, chúng ta cần phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền vạch mặt những tổ chức, cá nhân mang tâm địa xấu xa, mưu đồ đen tối nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta. Trên cơ sở đó khích lệ, động viên, định hướng, huy động toàn dân phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm công dân, chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, phản bác góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đây là việc làm rất quan trọng để giữ gìn, xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.
Đồng thời cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể quần chúng, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Cùng với xây dựng, nhân rộng những mô hình tốt, những tập thể, cá nhân tích cực, sáng tạo tham gia xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi luận điệu, hành vi chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị và an ninh, trật tự xã hội. Đối với những người do nhẹ dạ, cả tin mắc mưu kẻ xấu mà có những việc làm sai trái ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta cần kiên trì tuyên truyền, giáo dục, đối xử nhân văn, giúp đỡ họ nhận ra lỗi lầm và khắc phục tiến bộ.
Sử dụng chiêu bài “nội công” kết hợp “ngoại kích”, các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài tìm mọi cách gia tăng móc nối với kẻ xấu trong nước len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống để thực hiện mưu đồ chống phá. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể quần chúng, làm tốt công tác quản lý xã hội, nắm chắc tình hình cơ sở. Mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; mọi vấn đề phát sinh trên từng địa bàn, nhất là ở những “điểm nóng” cần phải có ngay các biện pháp giải quyết phù hợp và có hiệu quả; kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Bằng sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với tinh thần cảnh giác cao độ và sự tỉnh táo nhìn nhận thấu đáo, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất định những mưu đồ đen tối, thủ đoạn thấp hèn của các thế lực thù địch, phản động sẽ thất bại./.
{1} – V.I.Lênin toàn tập, NXB Tiến Bộ, Hà Nội, 1993, tập 16, tr.705.
{2} – Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.
{3} – Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. {4}- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG, 2016, tr. 148.
Nhận xét
Đăng nhận xét