Tháng 9-2020, sau khi ra tù, A Đảo lập facebook có tên “Giô Sê Đảo” để tiếp tục liên lạc với A Ga và đối tượng phản động người Việt lưu vong như Nguyễn Đình Thắng để nhận chỉ đạo hoạt động thu thập thông tin, tài liệu gửi ra cho các đối tượng xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Tổ chức này là gì?
Muốn hiểu được bản chất của A Đảo, trước hết phải tìm hiểu về Nguyễn Đình Thắng. Nguyễn Đình Thắng sinh năm 1958, tại Nam Định, sau một thời gian vào Nam, Thắng vượt biên sang Philippines rồi được định cư tại Mỹ, cầm đầu tổ chức có tên là “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) do Phan Lạc Tiếp (SN 1933, cựu sĩ quan hải quân quân đội Việt Nam Cộng hòa) và Nguyễn Hữu Xương, nguyên giáo sư Đại học San Diego, thành lập năm 1980, có trụ sở tại Sandiego, Carlifornia (Mỹ) với mục đích giúp đỡ người Việt “tị nạn” tại Mỹ.
Năm 1990, Phan Lạc Tiếp và Nguyễn Hữu Xương đã chuyển giao cho Nguyễn Đình Thắng tiếp tục điều hành BPSOS. Sau khi tiếp nhận, Thắng đã dời trụ sở của BPSOS đến bang Viginia (Mỹ) và hướng các hoạt động chuyển sang việc lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá Việt Nam.
Nguyễn Đình Thắng triệt để lợi dụng danh nghĩa của một tổ chức hoạt động trên lĩnh vực “cứu trợ thuyền viên”, “người tị nạn”, “chống buôn người” để xin kinh phí hoạt động. Ngoài ra, Thắng còn thường xuyên tổ chức các buổi vận động gây quỹ trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, Canada.
Với sự hậu thuẫn của một số chính khách thiếu thiện chí với Việt Nam, BPSOS đã trở thành một tổ chức phản động lưu vong chống đối quyết liệt ở cả trong và ngoài nước. BPSOS xây dựng “Ban điều hành” gồm 3 cấp: Hội đồng quản trị, Đội ngũ điều hành, quản lý các chi nhánh, phạm vi hoạt động tại Mỹ và một số nước lân cận Việt Nam; móc nối, tuyển mộ nhân viên và các tình nguyện viên ở một số nước.
Tại Việt Nam, Nguyễn Đình Thắng và đồng bọn đã xây dựng các kế hoạch hoạt động với mưu đồ “chuyển hóa nền dân chủ Việt Nam” theo mô hình phương Tây. Chúng đề ra mục tiêu sẽ lôi kéo, tập hợp lực lượng trong nước hình thành khoảng 1.000 “cộng đồng” (thực chất là các hội, nhóm xã hội dân sự) với đa dạng thành phần (các dân tộc, tôn giáo, công nhân, công chức, trí thức bất mãn…), tiến hành các hoạt động chống phá.
Ngày 18-9-2020, A Đảo được ra tù. Nguyễn Đình Thắng cùng số tay chân bên ngoài đồng loạt đăng tải, tán phát các bài viết, video clip nhằm tung hô, quảng bá hình ảnh của A Đảo để A Đảo tiếp tục làm “con rối”. Nguyễn Đình Thắng cũng gây mâu thuẫn, kích động A Ga (lúc này đang là cốt cán của tổ chức “Tin lành đấng Christ” do Y Hin Niê ở Mỹ cầm đầu) tách ra, thành lập tổ chức mới, với tên gọi “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên – CHPC”, hướng tổ chức này đẩy mạnh tuyên truyền, móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số trong trước tham gia các khóa huấn luyện do “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” của Nguyễn Đình Thắng tổ chức. “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” trở thành “công cụ” để Nguyễn Đình Thắng và số phản động người Việt lưu vong lợi dụng.
Tháng 9-2020, mâu thuẫn giữa A Ga và số đối tượng cầm đầu “Tin lành đấng Christ” tại Mỹ lên đỉnh điểm. Do sự tác động của Nguyễn Đình Thắng, A Ga chính thức thay đổi logo và tên gọi của nhóm do y quản lý thành “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC), tự nhận mình là người đại diện, đồng thời chỉ đạo nhân sự “Ban đại diện” tạm thời trong nước gồm 5 thành viên do A Đảo (trú ở Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) làm “Hội trưởng”, Y Nuen Ayun (trú ở Krông Pắc, Đắk Lắk), Niê Y Phơ (trú tại Sông Hinh, Phú Yên) làm “Phó hội trưởng”, Y Krếch Byă (trú tại Buôn Đôn, Đắk Lắk) làm “Thủ quỹ”, KĐệp (trú tại Di Linh, Lâm Đồng) làm “Thành viên”.
Bề ngoài, CHPC lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia các hoạt động hát thánh ca, chia sẻ Kinh thánh và cầu nguyện. Nhưng, các đối tượng cầm đầu CHPC thông qua các hoạt động sinh hoạt tôn giáo để lồng ghép nội dung xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, ý đồ quy tụ, tập hợp lực lượng đấu tranh “đòi” tự do tôn giáo, tự quyết dân tộc, tiến tới thành lập “tôn giáo riêng”, “nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
A Ga chủ trương liên kết, lợi dụng các tổ chức phản động người Việt lưu vong như “đảng Việt Tân”, “Ủy ban cứu trợ người vượt biển”, “Mạng lưới người bảo vệ nhân quyền” do Vũ Quốc Dũng cầm đầu và nhóm “Người Thượng đứng lên vì công lý” (MSFJ) của các đối tượng Y Quynh Bđắp, Y Pher Hdrue ở Thái Lan, Y Phic Hdok ở Mỹ để vận động, kêu gọi hỗ trợ tài chính. Chúng cũng thông qua mạng xã hội tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo trực tuyến, tuyên truyền, lôi kéo số chống đối, bất mãn, số quần chúng tin theo CHPC trong nước tham gia, nhằm tạo dựng, phát triển các “nhóm lõi”, truyên truyền, phát triển cơ sở bên trong, cách viết “báo cáo vi phạm” về nhân quyền, tự do tôn giáo; đào tạo kỹ năng hoạt động xã hội dân sự”; hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp các thông tin sai lệch về tình hình trong nước để xuyên tạc, vu cáo trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc tế.
Từ tháng 9-2020 đến nay, CHPC đã phát triển 82 tín đồ tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên. Tuy nhiên, qua tài liệu thu được và qua lời khai thể hiện, để moi tiền tài trợ từ bên ngoài, các đối tượng đã nâng khống lên là xây dựng được 24 điểm nhóm và trên 700 “tín đồ”…
Người dân cần cảnh giác
Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã nắm được toàn bộ hoạt động của tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” cũng như hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng tham gia trong nước.
Một trong những người tham gia CHPC tích cực nhất trên địa bàn Đắk Lắk là Y Krếc Byă (còn gọi là Ama Guôn, SN 1978, trú tại buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). Y Krếc là đối tượng FULRO, bị xử phạt 8 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Năm 2013, sau khi ra tù được một năm, Y Krếc lại tiếp tục tham gia hoạt động cơ sở ngầm FULRO và bị chính quyền đưa ra kiểm điểm trước dân. Với vai trò là “Quản nhiệm điểm sinh hoạt buôn Knia 2”, sau khi được lôi kéo, Y Krếc đã đồng ý tham gia CHPC và được A Ga giao cho làm “Thủ quỹ” của “Ban điều hành tạm thời”.
Từ tháng 3-2020 cho đến khi bị phát hiện, Y Krếc đã tích cực lôi kéo 15 người, hầu hết là các tín đồ Tin lành sinh hoạt trong điểm nhóm tại gia của mình tham gia CHPC. Ngoài ra còn có một số đối tượng khác, như: Y Nuen Ayun (Ama Đawit, SN 1967, trú buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), Ly Chới Bkrông (Ama HNal, SN 1972, trú buôn Ko Mleo, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), Y Yuăn Byă (Ama H’Wôn, SN 1966, trú tại buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là những đối tượng tích cực tham gia phát triển CHPC trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Làm việc với Cơ quan công an, những người này khai rằng sau khi nhận chỉ đạo từ A Ga và các đối tượng cầm đầu bên ngoài, họ đã vận động, lôi kéo những người thân trong gia đình, các tín đồ sinh hoạt đạo thuần túy nhẹ dạ cả tin khác trong buôn cùng tham gia. Thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng vẫn là những luận điệu cũ rích, đó là tham gia CHPC để về lâu dài sẽ thành lập “tôn giáo riêng, nhà nước riêng” cho người Tây Nguyên và nếu sau này “Nhà nước Đêga” thành công thì những người tham gia sẽ được chia đất đai, nhà cửa, tài sản, phong chức tước… Y Krếc đã cùng Y Nuen đặt in 100 cuốn lịch tết Nguyên đán 2021 mang biểu tượng của CHPC để phát cho tín đồ ở các điểm nhóm; bản thân Y Krếc đã tập hợp, gửi các “bản tường trình”, “báo cáo” xuyên tạc về tình hình tôn giáo, nhân quyền cho phản động bên ngoài để tập hợp, báo cáo cho phản động lưu vong, phản ánh sai lệch cho các tổ chức quốc tế, gây sức ép, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Còn Y Nuen, với vai trò “Giáo hội phó” CHPC, đã lôi kéo 4 người tham gia; thu thập, gửi một số bản tường trình” vu cáo chính quyền, vu cáo lực lượng công an vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đối với Y Chới Bkrông, sau khi được lôi kéo tham gia CHPC, từ tháng 11-2020 đến nay, Y Chới đã tham gia nhiều buổi tập huấn nhân quyền trực tuyến do Y Quynh Bdap và Nguyễn Đình Thắng giảng dạy, đồng thời đã viết một số báo cáo với nội dung vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo gửi cho A Ga.
Các đối tượng phản động bên ngoài đã nhiều lần gửi tiền cho số cầm đầu, cốt cán trong nước để củng cố niềm tin hoạt động chống phá. Tuy nhiên, A Đảo, Y Krếc, Y Nuen đã trục lợi cá nhân, “ăn chặn”, thậm chí mâu thuẫn nhau về việc “chia tiền”.
Rõ ràng “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” là một tổ chức chống đối chính trị, hoạt động lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số để xâm phạm an ninh quốc gia, do đó, mọi hoạt động liên quan đến tổ chức này đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế, thời gian qua tại Tây Nguyên, đa số các chức sắc, tín đồ các tôn giáo được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Riêng đối với đạo Tin lành, ngoài 5 tổ chức đã được Nhà nước công nhận (gồm: Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam), Hội thánh Tin lành Cơ đốc phục lâm, Hội thánh Tin lành trưởng lão, Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc và Hội thánh Tin lành liên hữu Cơ đốc), vẫn còn các tổ chức, hệ phái Tin lành dù chưa đủ điều kiện để được công nhận tư cách pháp nhân, như Tin lành truyền giảng phúc âm, Tin lành lên hữu Bắp tít, Tin lành phúc âm đời đời… vẫn được tạo điều kiện hoạt động ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch bên ngoài, nhất là số FULRO lưu vong tiếp tục rêu rao ở Việt Nam “không có tự do tôn giáo”, chỉ có “tôn giáo quốc doanh”, không cho các tổ chức Tin lành chưa được đăng ký hoạt động.
Một lần nữa chúng ta cần khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân nhưng bên cạnh đó cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mỗi tín đồ tôn giáo bên cạnh việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Vì vậy, mỗi chức sắc, tín đồ và người dân cần đề cao cảnh giác, không tin, không nghe các đối tượng lôi kéo tham gia các hoạt động tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, đồng thời tích cực tố giác, phối hợp với chính quyền ngăn chặn, góp phần loại bỏ cái gọi là “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” ra khỏi cộng đồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét