“Mỗi người dân là một chiến sỹ” câu khẩu hiệu này đã từng trở thành suy nghĩ và hành động của các thế hệ người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Nhắc lại câu khẩu hiệu đó, khiến tôi hình dung những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng, cả dân tộc bừng bừng khí thế, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Nhưng đấy là cuộc chiến đấu thời đó, mà mỗi chúng ta đều nhận rõ hình hài của kẻ thù xâm lược; các chiến sĩ quân đội nêu cao khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Nhưng hôm nay, cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 - một kẻ thù vô hình đã làm thay đổi mọi thói quen sinh hoạt, làm đảo lộn cuộc sống thường ngày, làm nền kinh tế đình trệ, khiến cho nhiều nhà khoa học phải đau đầu vì vẫn chưa xác định được hình hài của nó. Một cuộc chiến không có tiếng súng, tiếng bom nhưng máu và nước mắt, thậm chí là tính mạng thì đã có sự mất mát rất nhiều. Cho đến thời điểm hiện tại, vi rút SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi tính mạng của hàng triệu người. Chỉ tính riêng Việt Nam, tính đến ngày 03/9, đã ghi nhận tổng số 486.727 trường hợp nhiễm bệnh; hơn 12.138 trường hợp tử vong. Như vậy với tốc độ lây lan đang tăng lên chóng mặt, nguy cơ tử vong là cấp số nhân nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội và chiến lược tiêm vắc xin cho toàn thể người dân.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tối ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống, dịch bệnh. Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu toàn quân, toàn dân và đồng bào trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng với Chính phủ, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Những ngày qua, khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19, chúng ta lại tiếp tục được chứng kiến bao việc làm tình nghĩa thể hiện đạo lý nhân văn “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Các cơ quan chức năng cùng các ngành, các cấp đã tạo mọi điều kiện để chăm sóc sức khỏe và bảo đảm đời sống vật chất cho hàng ngàn người nghi lây nhiễm, phải thực hiện cách ly. Và cho đến ngày 20/8/2021, khi mà số lượng ca lây nhiễm ở thành phố Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai vẫn liên tục tăng, không có dấu hiệu “hạ nhiệt” Chính phủ cùng các ban ngành chức năng buộc phải thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh bằng cách huy động quân đội, công an giúp thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, các lực lượng công an, quân đội đã đồng loạt xuất quân tăng cường cho thành phố Hồ Chí Minh; họ lên đường và mang trong mình lời hứa “hết dịch sẽ trở về”. Hành trang mang theo của các chiến sĩ là thuốc men, kim tiêm cùng với trang thiết bị để dựng các bệnh xã lưu động đến từng địa bàn, phường xã, hộ gia đình giúp cho việc xét nghiệm, điều trị F0 được thuận lợi, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh nhiệm vụ kiểm tra, khám chữa bệnh cho người dân, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ giúp vận chuyển, phân phát lương thực, thuốc men cho người dân để họ yên tâm ở nhà chống dịch. Suốt những ngày qua, hình ảnh những người lính đội nắng, dầm mưa vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm mang đến từng người, từng nhà trong các ngõ, hẻm đã thực sự gây ấn tượng mạnh trong dư luận xã hội. Phố phường cũng trở nên vắng vẻ, trật tự hơn khi ở mỗi chốt kiểm soát có sự tham gia của lực lượng vũ trang. Có thể những ngày đầu vẫn còn những khó khăn, bỡ ngỡ; vẫn còn những “lời ra tiếng vào” về việc tăng cường lực lượng quân đội giúp thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Nhưng sau tất cả, vẫn là sự hợp tác, là ánh mặt, nụ cười, là sự xúc động, trân trọng từ phía người dân dành cho các anh. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào đi nữa, tình cảm quân dân vẫn là sự đoàn kết, trên dưới một lòng. Lập luận này cũng bác bỏ những thông tin được lan truyền trên các trang mạng xã hội khi cho rằng “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp lọan, nếu dân đói làm loạn” hay “Mang quân đội vào để giữ trật tự, trị an, vì dân đói sẽ làm loạn”.
Người viết lại cho rằng, để thực hiện các giải pháp chống dịch đạt hiệu quả cần phải có sự vào cuộc của lực lượng có ý thức tổ chức kỷ luật cao như công an, quân đội. Bởi vì họ đã quen rèn luyện, làm việc trong môi trường công tác gian khổ, nên với nhiệm vụ chống dịch họ có thể nhanh chóng tiếp cận và bắt nhịp. Hơn nữa, thành phố Hồ Chí Minh là một địa bàn rộng, dân số đông và đa dạng, trong đó người lao động chiếm tỷ lệ cao, họ đa phần là người lao động từ nhiều nơi tới mưu sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, kéo dài nếu không đảm bảo kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân thành phố, rất khó thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Và chỉ cần một vài cá nhân không nghiêm túc, phá vỡ kỷ luật, kỷ cương thì mọi nỗ lực trong những ngày qua sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Trong những ngày cuối tháng 8, trong chuyến đi thị sát vào vùng tâm dịch của thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh tính “kỷ luật thép” của quân đội để phục vụ nhân dân, tuyệt đối không để dịch tiếp tục lây lan trong cộng đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước đang trong những tháng ngày khó khăn nhất. Giãn cách xã hội, dừng mọi hoạt động sản xuất là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người dân là điều cần thiết và nên làm. Trong khi chờ đợi vắc xin để tiêm cho người dân thì giãn cách xã hội nghiêm túc chính là vũ khí để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Những chiến sĩ tham gia chống dịch, họ đang âm thầm chiến đấu vì sức khỏe và sự an toàn của mỗi chúng ta. Hãy trân trọng hơn nữa những hi sinh của họ, để chúng ta sớm chiến thắng dịch bệnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét