Môi trường không gian mạng bên cạnh những tiện ích đem lại thì rủi ro nhiều không hề kém. Lừa đảo qua mạng xâm hại đến hoạt động kinh doanh lành mạnh, quyền riêng tư bị xâm hại qua mạng xâm hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tin giả, tin sai sự thật lộng hành trên mạng đe dọa an ninh, trật tự xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu lành mạnh, vô văn hóa gây hại cho những người tiếp xúc với nó, nhất là giới trẻ, học sinh, trẻ em…
Do vậy, Luật An ninh mạng ra đời, có hiệu lực đáp ứng yêu cầu tất yếu, cấp thiết trên không gian mạng của Việt Nam
Các cơ quan quản lý Nhà nước từng nhiều lần cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước thực tế phải đối phó với hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao mỗi năm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm quyền cá nhân, gây tổn thất nặng nề về kinh tế. Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để tán phát thông tin kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền nhân dân, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia. Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần; hoạt động sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự an toàn xã hội ngày càng gia tăng và phức tạp như: đánh bạc, lừa đạo, đánh cắp tài khoản ngân hàng, rửa tiền, mại dâm, ma túy...
Đặc biệt những ngày qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch và đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như những gì chúng ta chứng kiến ở TP HCM. Chưa khi nào, các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý nhiều trường hợp đưa tin sai, tin giả, rồi buộc phải gỡ các thông tin sai, cam kết không tái phạm nhiều như vậy.
Luật An ninh mạng ra đời sau trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều năm, có sự đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, của các doanh nghiệp trong nước, của hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn như VNPT, FPT, BKAV; của nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông nước ngoài, trong đó có Facabook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản và ý kiến của nhân dân...Do vậy, khi Luật này được ban hành đã trở thành căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý, điều tra, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm. Mặt khác, Luật cũng giúp cho công tác phòng ngừa, cảnh báo, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đồng thời bảo vệ quyền con người khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Đối với mục tiêu bảo vệ quyền con người, Luật An ninh mạng trực tiếp bảo vệ 05 quyền: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ; Quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; Quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân; Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của công dân; Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân. Theo đó, Luật An ninh mạng tạo căn cứ pháp lý để công dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trên không gian mạng. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng xâm phạm quyền lợi, ích hợp pháp của công dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tiễn, thời gian qua, lượng đơn thư gửi đến các cơ quan quản lý mạng tố giác tội phạm, yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân…nhiều vô kể đã chứng minh, nhu cầu thiết thực của Luật này đối với việc bảo vệ quyền con người trên môi trường mạng.
Chưa kể, tương lai khi mạng Internet, mạng xã hội phát triển càng mạnh, càng sâu rộng thì liên quan đến những quyền như quyền thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ…có thể nói là hầu hết mọi quyền lợi chính đáng tồn tại trên thực tiễn cuộc sống đều trở thành nhu cầu thiết thân, quan trọng trên không gian mạng. Bởi vậy, Luật An ninh mạng ngày càng phải hoàn thiện, đáp ứng tốc độ và nhu cầu phát triển của xã hội cũng như sự thay đổi chóng mặt yêu cầu bảo vệ các quan hệ xã hội phát sinh trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng có ngăn cản, xâm phạm một số quyền dân sự, chính trị của người dân?
Việc khi ban hành Luật An ninh mạng vấp phải một số ý kiến phản đối cho rằng Luật ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, hạn chế truy cập vào các trang mạng xã hội và tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng. Thực tiễn đã chứng minh, những luận điệu trên là sai trái. Các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề bị ngăn cản, cấm đoán. Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube. Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng của Facebook, Google, Youtube hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước.
Cũng như Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, cá nhân thực hiện các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình phải đảm bảo tuân thủ pháp luật sở tại, không xâm hại đến an ninh trật tự, văn hóa, đạo đức, xã hội và quyền lợi hợp pháp của cá nhân khác. Do vậy, khi Bộ Công an đã xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng để cụ thể hóa các quy định, tạo hành lý bảo đảm quyền cơ bản của công dân, của doanh nghiệp. Để được thụ hưởng đầy đủ các quyền được quy định trong Luật An ninh mạng, cá nhân cũng cần phải đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ Luật định như: Không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng; Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng; Phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật; Cá nhân nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật An ninh mạng nói riêng, hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung ngày càng hướng tới bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khi tham gia vào không gian mạng, người dùng cần nhận thức đúng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình là quy định, là chuẩn mực pháp lý chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét