Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân phường 15, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung truyền giáo Phục Hưng, địa chỉ đăng ký tại số 205/2 đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, được phát hiện vào chiều tối 26/5/2021.
Đến 15 giờ ngày 4/6, đã có 310 người mắc COVID-19, 5.377 trường hợp F1 và trên 320.000 người thuộc diện theo dõi y tế liên quan đến chùm lây nhiễm này.
Từ điểm nhóm này, một số tín đồ của 3 Hội thánh Tin lành khác cũng trở thành F1 và F2 (đến nay chưa phát hiện có F0). Ngoài 20/22 quận, huyện, thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh, dịch đã lan rộng ra 15 tỉnh, thành phố (8 tỉnh, thành phố có F0, gồm Hà Nội, Bình Dương, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Đắc Lắc, Trà Vinh, Đồng Tháp; 7 địa phương có F1 hoặc F2 gồm: Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ).
Dự báo, trong những ngày tới, số lượng F0, F1 và người tiếp xúc với F0, F1 sẽ còn gia tăng về số lượng, phạm vi, có khả năng vẫn còn những ca bệnh liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng vì nhiều lý do khác nhau chưa khai báo.
Qua đó cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch trong một số cơ sở tôn giáo còn bất cập, đó là: một số tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo chưa thực hiện đúng tinh thần công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương; chưa chủ động triển khai, cập nhật các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, nhất là đối với các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, hoạt động nhỏ lẻ tại một số tỉnh, thành phố, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và khó lường nên công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “chủ động tấn công,” bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) vừa ký văn bản gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới.
Trong đó, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản số 1988/BNV-TGCP và hướng dẫn của chính quyền địa phương về phòng, chống dịch COVID-19. Việc này cần triển khai thực hiện tới tất cả các cơ sở thờ tự tôn giáo, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo tại các cơ sở, điểm nhóm nhằm thực hiện triệt để công tác phòng dịch. Đối với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm, cần phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo hướng dẫn các trang thông tin, truyền thông của Giáo hội cập nhật thông tin, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 từ các nguồn tin chính thống và phổ biến công tác phòng, chống dịch đến các cơ sở thờ tự, điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về dịch; vận động chức sắc, tín đồ nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế online trên tokhaiyte.vn.
Người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, lây nhiễm trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo và trong cộng đồng.
Cùng với đó, lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tiếp tục kêu gọi và biểu dương các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo, đồng hành với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch và vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ thành lập./.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)
Nhận xét
Đăng nhận xét