Giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh sau bầu cử

Theo báo cáo số 2366/BC-BNV của Bộ Nội vụ gửi Thường trực Chính phủ ngày 24/5 về tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tổng hợp nhanh của các địa phương đến 21 giờ ngày 23/5 cho thấy, cả nước có tổng số 69.242.882/69.543.530 cử tri đi bầu (đạt 99,57%).

So với báo cáo của địa phương trước ngày bầu cử, tổng số cử tri tại thời điểm kết thúc cuộc bầu cử có biến động, tăng từ 69.198.594 cử tri lên 69.543.530 cử tri (tăng 344.936 cử tri).

Các địa phương đều có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt từ 97% trở lên; địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là các tỉnh: Hậu Giang (99,99%); Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%); Lai Châu, Vĩnh Long, Bến Tre (99,97%); Bình Phước, Hà Giang, Quảng Nam (99,96%). Thấp nhất là Hưng Yên, với 98% cử tri đi bầu, các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình cùng có 98,8% cử tri đi bỏ phiếu. Hiện các địa phương đang tiến hành tổng hợp kết quả bỏ phiếu theo quy định.

Đánh giá của Bộ Nội vụ cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công. Cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, an toàn, tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và HĐND các cấp. Công tác tuyên truyền đã tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, lan tỏa động lực cho cử tri cả nước với tỷ lệ rất cao (99,57%), ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Tuy nhiên, trong ngày bầu cử còn xảy ra một số vướng mắc phát sinh. Ở một số địa phương, trời mưa, gió lớn, bị mất điện. Một số tổ bầu cử còn cách xa trung tâm nên khó khăn trong việc đi bầu, có khu vực bỏ phiếu phải mượn nhà dân.

Một số cử tri chưa nắm được quy định nên còn tình trạng về địa phương xin cấp thẻ cử tri, nộp giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác sau giờ khai mạc bầu cử nên địa phương không thể bổ sung vào danh sách cử tri để tham gia bỏ phiếu theo quy định. Các tỉnh như Hưng Yên, Đắk Nông, Quảng Bình in sai họ hoặc tên đệm của người ứng cử. Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kịp thời chỉ đạo tạm dừng bầu cử, niêm phong hòm phiếu, số phiếu sai sót, lập biên bản và cho in lại phiếu bầu. Các Tổ bầu cử đã tiếp tục và hoàn thành tổ chức bầu cử theo quy định.

Mặc dù gặp một số khó khăn nhất định nhưng các địa phương trong cả nước đã khắc phục và tổ chức thành công cuộc bầu cử, kết thúc vào lúc 19 giờ ngày 23/5/2021.

Để thực hiện các công việc tiếp theo sau ngày bầu cử, có kết quả chính thức những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số công việc. Trong đó, Bộ Nội vụ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ở trung ương, địa phương để cập nhật kết quả bầu cử; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các công việc tiếp theo sau ngày bầu cử; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết ngay và kịp thời những vấn đề phát sinh; chủ trì xây dựng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của UBND các cấp, Báo cáo của Chính phủ tổng kết Cuộc bầu cử.

Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cấp bổ sung kinh phí cho các địa phương thực hiện bầu cử và giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh phí bầu cử tại các địa phương, bộ, ngành.

Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, đánh giá, dự báo tình hình dịch COVID-19; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn giải đáp kịp thời các vướng mắc của địa phương liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 khi thực hiện bầu cử.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin chuẩn xác, tuyên truyền cho cuộc bầu cử; giám sát, kiểm soát tốt an toàn thông tin; chỉ đạo phản bác, ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái trên không gian mạng về kết quả bầu cử.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình, tăng cường đấu tranh các luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, kể cả trên không gian mạng.

UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để chỉ đạo thực hiện các công việc tiếp theo sau ngày bầu cử, kịp thời tổng hợp kết quả bầu cử, giải quyết các khiếu nại tố cáo liên quan đến bầu cử theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương để xem xét, giải quyết.

Nhận xét