Sự thật cái gọi là “Phận người sắc tộc Tây Nguyên”

 Vừa qua, RFA (Đài Á châu tự do – một tổ chức có cái nhìn phiến diện với Việt Nam) đăng bài viết với tiêu đề “Phận người sắc tộc Tây Nguyên” với nhiều nội dung sai trái, mang tính kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của Việt Nam.


Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Giữa các dân tộc có sự phát triển khác nhau, không đồng đều về trình độ kinh tế, xã hội cũng như đời sống thực tế. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào một số dân tộc còn khó khăn. Lợi dụng thực trạng trên, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để can thiệp vào vấn đề dân tộc, truyền bá các thông tin, luận điệu, quan điểm sai trái; xuyên tạc chủ trương, chính sách phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc của Việt Nam; kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi và truyền bá tư tưởng ly khai nhằm chia cắt Việt Nam.

Nội dung phiến diện được tung ra

Trong loạt bài viết với tiêu đề “Phận người sắc tộc Tây Nguyên” đang được RFA đăng tải, có thể thấy các đối tượng đang cố tình kích động người đồng bào dân tộc Tây Nguyên một cách có chủ đích. Theo đó, trong bài đầu tiên của loạt bài, RFA khơi dậy vấn đề Fulro Tây Nguyên bằng giọng điệu “Bóng ma Fulro và niềm tin tôn giáo”, cho rằng “Chính phủ Hà Nội luôn nói có những chính sách hỗ trợ cho người thiểu số. Tuy nhiên ngoài một số ít được hưởng đặc ân từ Nhà nước, đa phần người sắc tộc vẫn phải sống trong nghèo nàn, lạc hậu, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị bách hại”, vu khống rằng người Thượng tại Tây Nguyên bị chính quyền “trả thù” vì vấn đề Fulro, bị “bắt tù” vì theo tôn giáo.

Ở bài thứ hai, RFA chĩa mũi nhọn công kích vào chính sách phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam nói chung và đồng bào Tây Nguyên nói riêng bằng quan điểm “chính sách hoa mỹ và thực trạng tối tăm”, vu khống rằng Việt Nam đang đối xử không bình đẳng với người Thượng ở Tây Nguyên, không cấp hộ khẩu, không cho người dân tộc được đến trường.

Và đúng như mưu đồ đã định trước, tại bài viết thứ ba, với tiêu đề “Nỗ lực vượt thoát và nối ra”, RFA cho rằng người dân Tây Nguyên muốn có “quyền hành đạo”, “quyền bình đẳng” nên đã phải vượt biên, “chạy trốn” khỏi Việt Nam và “xin tị nạn” ở nước ngoài. Cũng qua bài viết này, RFA cổ vũ cho nhiều tổ chức phản động, chống phá núp bóng dân tộc như cái gọi là “Tổ chức cứu người vượt biển – BPSOS”, “Người Thượng đứng lên vì công lý – Montagnards Stand for justice”.

Vấn đề dân tộc, tôn giáo luôn được Việt Nam tôn trọng

Đọc hết bài viết được RFA đăng tải, dễ dàng thấy nội dung được xây dựng trên những thông tin vô căn cứ. Tất cả những lập luận được đưa ra phần lớn là dựa trên sự nhận định, đánh giá phiến diện của người viết và nội dung trả lời phỏng vấn của một số đối tượng và tổ chức chống đối. Trong những phỏng vấn với người dân, tưởng chừng như đầy tính thực tiễn thì cuối cùng cũng chỉ được hợp pháp hóa bằng “người giấu tên”; với những người được nêu tên thì cũng chỉ nêu hết sức chung chung, không rõ ràng, cụ thể, không có căn cứ để xác minh tính thực tiễn.

Quay lại với các vấn đề được RFA nêu ra, đây rõ ràng là một sự xuyên tạc hết sức trắng trợn vấn đề dân tộc tại Việt Nam. Chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam là phát triển, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Với các chương trình xóa đói, giảm nghèo…, công tác xóa đói, giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số đạt được những kết quả to lớn, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, với chính sách phát triển giáo dục, hệ thống trường học được đầu tư, đặc biệt, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, cụm xã đã góp phần nâng cao trình độ dân trí. Thậm chí, để giúp học sinh đồng bào dân tộc yên tâm đi học, Nhà nước đã phát gạo cho học sinh. Chỉ cần dành 1 phút gõ google, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng ngàn câu chuyện về các giáo viên lên cắm bản, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để gieo con chữ cho bà con đồng bào. Thậm chí, các thầy, cô còn không tiếc công sức vượt đèo, vượt suối để kêu gọi bà con cho trẻ đến trường. Luận điệu cho rằng Việt Nam phân biệt giữa người kinh và đồng bào dân tộc thiểu số; xuyên tạc rằng con em đồng bào không được đi học là luận điệu sai trái, xuyên tạc vô cùng trắng trợn.

Cùng với đó, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng cũng luôn được Việt Nam tôn trọng. Theo một thống kê năm 2019, Việt Nam có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo; đến năm 2017, 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng tổng diện tích 14.850 ha đất; 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Không có chuyện Việt Nam ngăn chặn quyền tự do tôn giáo, càng không có việc người dân phải “vượt biên”, “xin tị nạn” để được hưởng quyền tự do tôn giáo, bình đẳng như những gì RFA rêu rao.

Lợi dụng vấn đề dân tộc để xuyên tạc chủ trương về công tác dân tộc; kích động tư tưởng hoài nghi, mâu thuẫn giữa đồng bào với Đảng, Nhà nước là mưu đồ nham hiểm của các đối tượng phản động, chống đối. Thực tế, đằng sau những lời lẽ nhân văn, ngon ngọt là mưu đồ kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhận xét