Mới đây dư luận xôn xao vụ việc linh mục Phạm Thế Hưng đã chỉ đạo, kích động hơn 50 giáo dân Giáo xứ Dũ Thành tổ chức đào đất, lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép tại khu vực Cồn Soi, xã Kỳ Khang với diện tích 1.893 m2 khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép. Lợi dụng điều này nhiều đối tượng, tổ chức chống phá trong và ngoài nước đã xuyên tạc, bịa đặt kích động người dân hiểu sai vấn đề gây rối trật tự công cộng…
Vừa qua, trang mạng RFA (Đài Châu Á Tự do) đã đăng tải bài viết: “Giáo dân đào ao thả cá trên đất Giáo xứ; chính quyền cản vì nói đất của Nhà nước”, với nội dung xuyên tạc rằng “đất đó bây giờ không cần thiết vấn đề gieo mạ, mà đất thì là đất cát nên làm ruộng cũng không ăn thua gì. Để đó cả nhiều năm không làm gì thì đào hồ nuôi cá để không uổng phí”; “muốn cải thiện bởi vì môi trường biển thì ô nhiễm, chăn nuôi thì lợn gà trâu bò bị dịch bệnh, cho nên cải thiện cái hồ cá để tăng thêm thực phẩm”.
Thậm chí linh mục Phạm Thế Hưng rêu rao rằng: “Việc giáo dân tự tiện đào hồ nuôi cá trên đất công nghiệp như lời chính quyền thì chừng như không phải là nguyên nhân chính. Lý do sâu xa hơn, có thể là do bản thân ông thường lên tiếng chỉ trích những vụ việc sai trái. Hai vụ tranh đấu nổi bật, linh mục Phạm Thế Hưng trình bày tiếp, là việc giành lại khu nghĩa trang rộng 7 mẫu của giáo dân Lạc Sơn mà Nhà nước muốn trưng dụng để quản. Vụ thứ nhì là việc sử dụng chất thải rắn của Formosa để san lấp mặt bằng ngay tại Vũng Áng.”
Tuy nhiên, theo các nguồn tin chính thức, được biết phần đất rộng 1.893 m2 bị lấn chiếm để đào hồ thả cá là đất trồng lúa và hoa màu do UBND xã Kỳ Khang quản lý. Biên bản ghi nhận tại hiện trường cho thấy nhiều giáo dân đã sử dụng cát sỏi, xây kè tại khu vực đất lấn chiếm. UBND xã Kỳ Khang cũng đã làm việc với đại diện Ban hành Giáo xứ là ông Nguyễn Công Bính và yêu cầu Giáo xứ, giáo dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đất đai, không được phép tác nghiệp trên phần diện tích chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Thế nhưng, một số giáo dân bị che mắt bằng những lý do mà linh mục Phạm Thế Hưng tô vẽ như “cải thiện môi trường”, “tăng thêm thực phẩm” đã bỏ ngoài tai những giải thích rõ ràng, cặn kẽ của các ban ngành chức năng, ra sức rêu rao rằng đó là “đất của Giáo xứ Dũ Thành”.
Trên thực tế, chính Trưởng ban hành giáo xứ đã xác nhận hành vi sai phạm của Giáo xứ trong việc tự ý thay đổi hiện trạng đất trái phép để làm hồ nuôi cá khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thế nhưng bất chấp luật pháp, bất chấp tiếng nói của Trưởng Ban hành Giáo xứ, vào khoảng hơn 6h ngày 12/4, linh mục Phạm Thế Hưng lại tiếp tục chỉ đạo 50 giáo dân mang theo dụng cụ cuốc, xẻng, máy trộn bê tông, xe kéo… tập kết vật liệu xi măng, tấm bê tông đúc sẵn, rồi tiến hành xây kè bê tông ở xung quanh khu vực diện tích đất đã lấn chiếm.
Rõ ràng hành động cố tình chống phá của linh mục Phạm Thế Hưng là để vu vạ chính quyền, cố tình làm cho giáo dân nhìn nhận sai về mối đoàn kết lương – giáo. Cần phải nhấn mạnh, mọi công dân dù theo tôn giáo nào, thuộc dân tộc nào, một khi đã sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tôn trọng và tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Với thái độ thiếu hợp tác, linh mục Hưng đã nhiều lần kêu gọi, ép giáo dân ra khu vực đất nói trên để tiến hành xây dựng công trình. Mặc dù chính quyền, MTTQ huyện Kỳ Anh và UBND xã Kỳ Khang đã nhiều lần làm việc, đối thoại và yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định Luật đất đai nhưng vị linh mục vẫn bất chấp, thiếu hợp tác để xử lý các vi phạm.
Thực tế hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng đức tin của người dân, dưới danh tôn giáo đã chống phá quyết liệt, bằng nhiều hình thức khác nhau như rao giảng các thông tin lệch lạc trong các buổi sinh hoạt tôn giáo; kích động người dân chống đối chính quyền; cổ xúy luận điệu giáo điều cao hơn pháp luật… Do đó, người dân đặc biệt là giáo dân cần bình tĩnh và tuân thủ pháp luật, phân tích đúng sai bằng lý trí của mình, thay vì chịu sự dẫn dắt từ những lời thì thào của người khác, tránh để kẻ xấu kích động, bị đẩy vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Nhận xét
Đăng nhận xét