Ngày 8/3 tới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm với 6 bị cáo trong vụ án "Giết người", "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Những người kháng cáo án sơ thẩm gồm Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến cùng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên cho mình là nặng, xin tòa cấp phúc thẩm căn cứ các tình tiết để giảm nhẹ thêm hình phạt. Riêng bị cáo Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.
Đây là vụ án mà các đối tượng phạm tội có tổ chức, có sự hà hơi tiếp sức từ các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam ở cả trong và ngoài nước và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Là người bào chữa cho một số bị cáo, hôm qua anh Ngô Anh Tuấn viết 1 status than thở rằng "Tôi không được triệu tập tham dự phiên toà?" với nội dung như trong ảnh. Anh viết dài, nhưng đại ý là (1) phiên tòa xắp diễn ra, trong khi các LS khác đã nhận được giấy mời còn anh thì chưa và đây không phải lần đầu anh bị như thế. (2) Anh Tuấn nghi ngờ Tòa án HN có động cơ không trong sáng, chậm gửi giấy triệu tập là vì không muốn người khác đọc được thông tin mà anh đưa trên FB của mình. Anh viết: "Tôi nghi ngờ rằng vì tôi là người hay đưa thông tin chính thống về vụ án, là “cái loa” chính nên người ta không muốn gửi cho tôi sớm mà luôn tìm cách trì hoãn để thông được người khác đưa rồi, khi tôi có và đưa tin lại sẽ không còn ai muốn đọc nữa".(3) Anh Tuấn nhắc lại chuyện cũ: "tại ngày cuối cùng của phiên toà xét xử sơ thẩm, tôi bị ngăn cản không cho sao chép tài liệu ra máy tính cá nhân sau khi tôi đã đánh máy ngay tại trong phiên toà khiến cuộc tranh cãi giữa tôi và lực lượng an ninh xảy ra sau đó".
Cuối status, LS Ngô Anh Tuấn cũng cho biết Thư ký tòa đã liên hệ xin lỗi anh vì sự chậm trễ, xác nhận địa chỉ với anh để chuyển giấy mời.
Là người đọc, tôi hoàn toàn thông cảm với LS Ngô Anh Tuấn khi các đồng nghiệp đã nhận được giấy mời bào chữa cho các bị cáo, trong khi anh thì chưa. Tuy nhiên tôi không coi đó là sự chậm chễ và pháp luật cũng không quy định phải chuyển trước cho các LS bao nhiêu ngày, miễn là LS tới kịp. Anh viết hôm 2/3 trong khi phiên tòa sẽ mở vào ngày 8/3, nghĩa là đủ thời gian để chuyển giấy mời cho anh. Ở nội dung này, người mà tôi đánh giá cao không phải là anh, mà là cô Thư ký của tòa. Thái độ của cô Thư ký là văn minh, còn anh thì chưa văn minh cho lắm. Tôi nghĩ anh sốt ruột là một chuyện, mà cái chính là anh lợi dụng sự "chậm trễ" ấy để muốn người ta biết đến anh thông qua đọc FB của anh như anh đã nói ở ý thứ (2). Tôi cũng không loại trừ khả năng anh viết như thế để người đọc nghi ngờ về tính công minh chính đại của Tòa án cũng như sự vận hành của bộ máy tư pháp.
Nghi ngờ Tòa có động cơ không trong sáng là quyền của anh Ngô Anh Tuấn nhưng điều thú vị là ở chỗ anh đánh giá bản thân mình hơi cao. Anh cho là tòa chậm gửi giấy mời là vì anh hay đăng thông tin chính thống (?!) và mục đích của họ là để người ta không còn muốn đọc của anh nữa. Đây là một lập luận trẻ con, chính xác thì nó là lập luận hơi ngáo của một kẻ nghiệm Facebook và ảo tưởng rằng mình là nhân vật số 1 và là trung tâm của vũ trụ.
Xin nói thẳng, nếu nói đến việc đăng tải các thông tin chính thống, nóng hổi và chính xác thì anh chưa có tên tuổi gì trong làng Facebook đâu. Tôi đã đọc Facebook của anh và thấy rằng thông tin từ anh không phải là thông tin chính thống và có rất ít thông tin chính xác, khách quan. Nó phần nhiều dựa trên những hiện tượng có thật (chưa chắc là bản chất) rồi được anh lồng ghép ý kiến cá nhân một cách cảm tính, kết hợp với cách đưa tin che dấu một phần sự thật để dẫn dắt dư luận mà thôi. Đó là chưa kể đến những thông tin bị chính anh bóp méo,sai sự thật... mà cơ quan chức năng chưa sờ đến. Nói thật, con số 12.834 người theo dõi chưa là gì so với nhiều người, trong đó có tôi. Nói thêm để anh rõ, đẳng cấp của một người chơi FB không nằm ở lượt like hay số lượng người theo dõi. Nó nằm ở chất lượng bài viết và số lượng bài được chia sẻ, bao gồm cả những chia sẻ không thèm dẫn link.
Ý thứ (3), anh Tuấn viết: "tại ngày cuối cùng của phiên toà xét xử sơ thẩm, tôi bị ngăn cản không cho sao chép tài liệu ra máy tính cá nhân sau khi tôi đã đánh máy ngay tại trong phiên toà khiến cuộc tranh cãi giữa tôi và lực lượng an ninh xảy ra sau đó". Lẽ ra là một luật sư, anh phải hiểu và chấp hành các quy định của tòa mới đúng.
Phải nói chính xác thế này, đây là phiên tòa dù là công khai, nhưng vụ án đặc biệt nghiêm trọng này có liên quan tới an ninh quốc gia, bí mật nhà nước vì các đối tượng gây án có liên quan tới khủng bố, vì thế việc thắt chặt an ninh là điều dễ hiểu. Trước hết là để bảo vệ phiên tòa, bảo vệ những người xét xử, bảo vệ các bị cáo, nhân chứng và sau nữa là bảo vệ cộng đồng. Người tham dự sẽ không được phép mang điện thoại, máy ghi âm, máy vi tính vào phòng xử. Các luật sư muốn đánh máy phần phát biểu của mình thì có thể sử dụng máy tính do tòa cung cấp, có chứa sẵn đầy đủ mọi dữ liệu của vụ án.
Tại phiên sơ thẩm, thực ra LS Ngô Anh Tuấn đã biết rõ với những chứng cứ thu thập được thì anh không thể thắng. Do đó, anh không tập trung bào chữa mà tập trung vào việc quay phim, chụp ảnh rồi phát livestream lên mạng xã hội, vì mục đích gì hẳn bạn đọc đã biết. Bên cạnh đó anh Tuấn cũng thu thập được khá nhiều tài liệu trong máy tính và muốn chuyển ra ngoài. Điều này là không thể được, vì liên quan tới an ninh quốc gia, liên quan tới bí mật nhà nước và bí mật của công dân. Đó chính là lý do mà lực lượng chức năng đã phải kiểm tra, kiểm soát trước khi anh sao chép tài liệu sang máy tính cá nhân. Và như đã nói ở nhiều bài viết trên Trelangblog.com, trong phiên sơ thẩm, các luật sư đến tòa không phải để bào chữa mà muốn biến phiên tòa thành một diễn đàn với ý đồ xấu. Việc liên tục xuất hiện các bài viết, các thông tin lồng ý kiến cá nhân của các luật sư, và thậm chí các video clip được các luật sư livestream đã chứng minh điều đó.
Xin nói thêm để anh LS Ngô Anh Tuấn rõ, việc các lực lượng chức năng làm công việc đó là đúng các quy định của pháp luật, và những hành động như thế không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Ở các quốc gia trên thế giới, nguyên tắc xét xử công khai chưa bao giờ được thực thi một cách không có giới hạn.
Ở Thụy Điển, xét xử công khai nhưng chủ tọa phiên tòa có quyền giới hạn số người tham dự trong phòng xét xử; cho phép thu âm phiên tòa xét xử công khai; cấm chụp ảnh, quay phim trong phòng xét xử chính; cho phép quay video để truyền trực tiếp vào phòng bên cạnh.
Ở Tây Ban Nha: Trước khi phiên tòa bắt đầu được quay phim, chụp ảnh, trong thời gian phiên tòa diễn ra chỉ được quay phim, chụp ảnh phục vụ nội bộ; trường hợp ngoại lệ (như phiên tòa xét xử vụ đánh bom ở Madrid cho truyền bằng video).
Ở Vương quốc Anh: Cấm quay phim, chụp ảnh phiên tòa, thu âm trong phiên tòa; nhưng phiên Tòa của tòa án Tối cao (Supreme Court) thì cho phép truyền thanh, truyền hình.
Ở Na Uy và Thụy Sĩ: Cấm quay phim, thu âm phiên tòa hình sự, cho chuyền video trực tiếp sang phòng bên cạnh.
Ở Pháp: Cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh trong phiên tòa, và chỉ được phép làm để sử dụng nội bộ ngành tư pháp, nghiên cứu lịch sử.
Ở Bỉ: Cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh trong phiên tòa tuy nhiên có ngoại lệ riêng lẻ do chủ tọa quyết định.
Ở Hy Lạp, tuy không cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh nhưng trường hợp ngoại lệ do chủ tọa quyết định.
Ở Hà Lan, cho phép quay phim, chụp ảnh.
Ở CHLB Đức, tính công khai của tiến trình xét xử được quy định tại Điều 169 Bộ luật về hệ thống tư pháp (GVG). Theo khoản 1 của Điều 169, thì phiên tòa xét xử, việc đọc bản án và các quyết nghị của hội đồng xét xử được tiến hành công khai, ngoài những bên tham gia với tư cách theo luật định như bị cáo, người bị hại, nhân chứng, người bảo hộ, phiên dịch,… những người khác như nhà báo, đại diện tổ chức xã hội, chính trị, thực tập sinh,… phải xin phép chủ tọa phiên tòa từ trước đó.
Người viết cho rằng chuyện giấy mời được gửi sớm hay muộn, chuyện quay phim, ghi hình...tại phiên tòa không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá chất lượng một phiên tòa hay bản chất của một chế độ. Điều quan trọng là các bị cáo phải được bảo đảm có thủ tục xét xử công minh theo sự thật mà thôi. Vậy nên, tôi cho rằng, việc LS Ngô Anh Tuấn viết status nói trên không phải là hành động thiện chí, không phải vì công bằng trong xét xử mà vì mục đích cá nhân. Xin nói ngay, phá hoại phiên tòa, làm sai lệch thông tin về vụ việc Đồng Tâm là không dễ dàng, và có thể phải trả giá.
Nhận xét
Đăng nhận xét