Lâu lắm mới có vụ lên đồng tập thể của các giảng viên đại học như thế này. Báo Tuổi Trẻ viết "12 giảng viên khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã đồng thời nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 25/1/2021", còn Zing viết "11 giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cùng xin nghỉ việc". Các báo đều thông tin rằng, các giảng viên này "xin nghỉ việc tập thể để phản đối trưởng khoa". Bất luận là lý do gì đi nữa thì nó vẫn là vụ việc không mấy hay ho.
Được biết, nhà trường đã chấm dứt hợp đồng lao động với 11 giảng viên theo nguyện vọng, 1 giảng viên đã thay đổi ý định và ở lại tiếp tục làm việc. Cũng ngay sau đó nhà trường đã tuyển đủ số lượng giảng viên cần thiết đảm bảo cho quá trình giảng dạy không bị gián đoạn.
Đọc các báo khác nhau phản ánh vụ việc, tôi hiểu rằng, nội bộ của khoa Hàn Quốc học đang có mâu thuẫn nội bộ, phe cánh từ lâu, và nó đã âm ỉ từ lâu thông qua các tin đồn. Và lý do để các giảng viên xin nghỉ như báo chí thông tin chỉ là lớp vỏ che đậy bản chất bên trong mà thôi.
Các giảng viên xin nghỉ việc đồng thuận rằng, họ không tín nhiệm trưởng khoa là TS Nguyễn Thị Phương Mai do việc bổ nhiệm quá nhanh, không đúng quy trình, chưa phải là đảng viên, có 4 con, 2 quốc tịch và không nằm trong quy hoạch. Đặc biệt, cả 12 giảng viên đều kêu ca rằng, trưởng khoa quá nghiêm khắc, ép mọi người phải thực hiện các quy định cứng nhắc, thiếu dân chủ, chẳng hạn như, đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Chuyện bổ nhiệm đúng hay sai thì căn cứ vào Quyết định 185 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế, tổ chức và hoạt động của trường ĐH Quốc gia TP HCM (28/3/1997) và căn cứ vào Tiêu chuẩn của Trưởng khoa, phó trưởng khoa trường đại học được quy định tại Điều c Khoản 2 Điều 15 Điều lệ trường đại học được ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xác định, ta không bàn ở đây.
Riêng lý do các giảng viên đưa ra để nghỉ việc là "trưởng khoa quá nghiêm khắc, ép mọi người phải thực hiện các quy định cứng nhắc, thiếu dân chủ, chẳng hạn như, đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ" thì tôi nghĩ, các giảng viên đã sai, cách giải thích của Trưởng khoa và Hiệu trưởng là chính xác. Một khoa giảng dạy chuyên ngành cần phải có quy chế nghiêm túc, nguyên tắc làm việc, kỷ luật lao động... miễn là không trái các quy định của pháp luật là được. Điều đó giúp cho hoạt động của khoa được nghiêm túc, có nề nếp và giúp cho chính giảng viên phát huy được năng lực của mình. Tôi nghĩ, các giảng viên kêu ca như thế là rất trẻ con. Thêm nữa, theo thông tin mà Hiệu trưởng nhà trường trả lời báo chí thì có tới 11 nội dung các giảng viên tố cáo là sai sự thật. Tôi chưa biết ai sai ai đúng, nhưng rõ ràng, phản ứng của các giảng viên như báo chí nêu là không thể chấp nhận.
Xin nhắc lại, đây không phải lần đầu, ĐH Quốc gia TP HCM để xảy ra các vụ lùm xùm như thế này.
Vào cuối năm 2017, Thanh tra Chính phủ phát hiện Đại học Quốc gia TP.HCM bổ nhiệm nhiều lãnh đạo trường, khoa trái quy định. Ngoài ra, 6 đơn vị thành viên của trường thu lệ phí, học phí cao hơn và ngoài danh mục quy định với tổng số tiền lên đến hơn 81 tỷ đồng, chỉ tính trong giai đoạn 2013-2015.
Thanh tra Chính phủ phát hiện, trong giai đoạn năm 2013-2015, nhà trường đã bổ nhiệm 5 cán bộ lãnh đạo gồm 2 Phó Hiệu trưởng, 2 Phó Giám đốc và 1 Phó Trưởng khoa. Tuy nhiên, các cán bộ này đều quá tuổi và không đúng quy định của Chính phủ.
Các đơn vị thành viên và khoa Y của đại học Quốc gia TP.HCM đã bổ nhiệm 44 người vào các vị trí Trưởng, Phó các bộ môn quá tuổi bổ nhiệm và không đủ nhiệm kỳ 5 năm. Trong đó, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bổ nhiệm trái quy định 23 người, trường đại học Tự nhiên bổ nhiệm 11 người.
Từ năm 2013-2015, các đơn vị thành viên của trường này đã ban hành các văn bản quy định mức thu học phí đối với người học vượt mức quy định tại Nghị định 49 của Chính phủ. Ngoài ra, đơn vị này cũng quy định một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Nghị định 57 của Chính phủ.
Tổng số học phí, lệ phí thu cao hơn và ngoài danh mục quy định của 6 đơn vị thành viên ĐHQG TP.HCM trong khoảng thời gian trên được xác định hơn 81 tỷ đồng.
Trong đó, trường đại học Kinh tế - Luật có mức thu vượt và ngoài quy định cao nhất với hơn 47 tỷ đồng; trường đại học Bách khoa và trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đều có mức thu vượt và ngoài quy định hơn 12 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cho thấy, từ 2013-2015, 6 đơn vị thành viên của ĐHQG TP.HCM chi vượt giờ giảng cho giảng viên so với quy định, với tổng số giờ vượt là gần 150 ngàn giờ, số tiền thanh toán là hơn 16 tỷ đồng.
Thanh tra Chính Phủ cũng cho biết, việc quản lý khối lượng thi công, đơn giá của một số dự án tại các đơn vị thuộc ĐHQG TP.HCM còn thiếu sót, hạn chế dẫn đến giá trị thanh toán, quyết toán cao hơn thực tế thi công, dự án phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện.
Đơn vị này đã tiến hành thanh tra 6 dự án xây dựng cơ bản của trường với tổng mức giá trị trúng thầu hơn 2.000 tỷ và phát hiện 25 tỷ đồng sai phạm.
Hơn thế, trường đại học Bách khoa TP.HCM đã ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân cho thuê mặt bằng kinh doanh tại 268 Lý Thường Kiệt, TP.HCM trái quy định, để thu số tiền trong 3 năm là hơn 43 tỷ đồng…
Để xảy ra những lùm xùm như thế này ở khoa Hàn quốc học, của ĐH Quốc gia TP HCM thì trước hết, Ban Giám đốc của trường này phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể không nhắc đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ giáo dục và Đào tạo ở đây. Dư luận đang mong đợi những phản hồi theo chức năng nhiệm vụ của Bộ này về vụ việc.
Để xảy ra những lùm xùm như thế này ở khoa Hàn quốc học, của ĐH Quốc gia TP HCM thì trước hết, Ban Giám đốc của trường này phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể không nhắc đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ giáo dục và Đào tạo ở đây. Dư luận đang mong đợi những phản hồi theo chức năng nhiệm vụ của Bộ này về vụ việc.
Nhận xét
Đăng nhận xét