Bí thư Hải Dương: Cách ly xã hội toàn tỉnh là quyết định không muộn

 "Tất cả động thái, Hải Dương không tự quyết định và đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng Y tế. Phong tỏa, giãn cách phải trên cơ sở khoa học", Bí thư Hải Dương nói.


Đến nay, tỉnh Hải Dương ghi nhận 539 ca mắc Covid-19, tăng 40 ca. Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương.

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, một ngày trước, Hải Dương quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh.

Sáng 17/2, Zing có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng xoay quanh động thái mới của địa phương này về phòng chống dịch Covid-19.

Giãn cách xã hội phải dựa trên cơ sở dịch tễ

- Thưa ông, ngay sau Tết, tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng đây là một quyết định có phần chậm chạp, ông có phản hồi gì về quan điểm này?

- Đầu tiên, muốn khẳng định là chậm hay không, chúng ta phải đối chiếu lại chiến lược chống dịch của Bộ Y tế đưa ra cho đợt dịch lần này. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại rất nhiều cuộc họp và đã chỉ đạo các địa phương về chiến lược chống dịch lần này là truy vết thật nhanh, xét nghiệm diện rộng, cách ly, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

Hải Dương đã tuân thủ rất nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương.

Ngay từ đầu, Hải Dương đã rất quyết liệt chứ không phải đến bây giờ. Đó là ngày 27/1, khi phát hiện ổ dịch tại Công ty POYUN, TP Chí Linh, một ngày sau Hải Dương đã tiến hành phong tỏa thành phố này. Mức độ cao hơn cả việc cách ly xã hội như hiện nay.

Ngày 5/2, ở Cẩm Giàng mới có khoảng 10 ca nhiễm, chúng tôi đã phong tỏa toàn bộ huyện này ngay thời điểm đó. Số lượng ca nhiễm thời gian qua tăng nhưng 90% đã được cách ly, hạn chế khả năng lây nhiễm cộng đồng.

Các đơn vị cấp huyện còn lại, phát hiện 1-2 ca cộng đồng. Lý do những ca này là F1 của F0 đã được cách ly. Khi nghe số lượng công bố, mọi người thấy khá lớn. Nhưng đây là điều bình thường của dịch tễ, chứ không bất ngờ.

Ngày 15/2, dịch xuất hiện 8/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh, chúng tôi vẫn quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh. Chúng tôi cho rằng đây là quyết định kịp thời, chứ không muộn.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Ảnh: Thạch Thảo.

- Hải Dương quyết định giãn cách xã hội dựa trên cơ sở nào?

- Từ khi dịch bùng phát, đoàn chuyên gia khoảng 20 người của Bộ Y tế do PGS TS Trần Như Dương, Phó viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, làm trưởng đoàn đã về hỗ trợ Hải Dương. PGS TS Trần Như Dương đã trực tiếp đi chống dịch ở nhiều nơi, trong đó có Đà Nẵng.

Họ nghiên cứu, đánh giá rất kỹ. Tất cả động thái, Hải Dương không tự quyết định và đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng Y tế và đoàn công tác để đưa ra quyết định. Việc phong tỏa hay giãn cách phải dựa trên cơ sở về dịch tễ, khoa học, chứ không phải theo cảm tính.

Điều đáng tiếc

- Hải Dương có phải đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch?

- Hải Dương hiện cách ly khoảng 14.000 người, 2.000 người vừa hết thời hạn cách ly. Trong số lượng cách ly đó, sẽ có một số người thành F0. Những ngày vừa qua, việc này làm dư luận lo ngại. Nhưng chúng ta phải phân tích, số lượng đó nằm trong khu cách ly, nếu ở cộng đồng mới đáng lo ngại.

Hải Dương đã khóa chặt ổ dịch POYUN, nhưng có một điều đáng tiếc là việc phát hiện ca bệnh muộn. Đây không phải do Hải Dương, khi bệnh nhân qua Nhật Bản mới biết thì quá trình ủ bệnh đã nằm trong công ty này.

Quá trình đó, công nhân đã đi giao tiếp. Vì thế, dù tất cả công nhân được cách ly, mầm bệnh đã lây lan ngoài xã hội.

Việc chống dịch Hải Dương phức tạp, khó khăn hơn nhiều ở nơi khác. Biện pháp cách ly toàn xã hội sẽ làm chậm tốc độ lây lan và Hải Dương đang quyết tâm giảm F0 bằng cách chấn chỉnh lại khu cách ly.

- Một số địa phương đang lo ngại dịch lan rộng khi có lượng người từ Hải Dương đổ về sau Tết, Hải Dương làm gì để kiểm soát nguy cơ này?

- Khi dịch bùng phát trước Tết, tất cả công nhân, người địa phương khác đang ở Hải Dương được yêu cầu ở lại ăn Tết nên số lượng này không trở về quê.

Chúng tôi đã tổ chức đón Tết đầy đủ cho lượng công nhân này. Tôi trực tiếp đi kiểm tra và thấy rằng tinh thần họ rất tốt và sau Tết sẵn sàng vào làm việc.

Đối với lượng người Hải Dương làm ăn, học tập xa, đa số họ có ý thức không về nếu quê đã có dịch. Còn lượng người đã về ăn Tết, sau khi có lệnh giãn cách xã hội, họ được yêu cầu không đi ra khỏi tỉnh.

Chúng tôi đặt nhiều chốt kiểm soát, kiên quyết không cho người từ vùng dịch Hải Dương ra ngoài nên các tỉnh có thể yên tâm.

Ổ dịch ở Hải Dương khác Đà Nẵng

- Năm 2020, TP Đà Nẵng bùng phát ổ dịch, họ đã khoanh vùng và dập dịch sau hơn một tháng. Hải Dương dự tính trong bao lâu sẽ khống chế được đợt dịch này?

- Trước hết, Bộ Y tế đã đánh giá ổ dịch ở Hải Dương khác so với Đà Nẵng. Đó là tính chất phức tạp, quy mô lớn hơn rất nhiều.

Có 2 điểm khác, loại virus ở Hải Dương biến chủng, tốc độ lây lan cao gấp nhiều lần, không đơn thuần, dù bệnh không nặng lên.

Thứ hai, Hải Dương bùng phát dịch trong bối cảnh dịp Tết ở nơi rất đông công nhân. Vì thế, Hải Dương đã xác định sự phức tạp và mất nhiều thời gian hơn Đà Nẵng.

Mục tiêu của chúng tôi là quyết tâm hết thời gian đợt giãn cách toàn tỉnh này sẽ cơ bản khống chế được dịch bệnh. Không làm ca bệnh tăng, tiến tới giảm dần. Kết quả xét nghiệm cho thấy ca bệnh đang giảm, người dân chấp hành tốt.

- TP Hải Dương vừa xuất hiện ổ dịch với chùm ca mắc Covid-19 phức tạp, tỉnh đã có những biện pháp nào nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan?

- Ngành chức năng đã điều tra dịch tễ song chưa có kết quả cụ thể. Ban đầu, hướng nguyên nhân về việc người chồng trong quá trình đi công tác và có tiếp xúc với F0 rồi lây sang vợ, người thân. Ngành y tế đang lấy xét nghiệm rộng để đánh giá cụ thể hơn.

Ngay sau khi phát hiện, khu vực dân cư liên quan đã được phong tỏa chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

- Một vấn đề khác là giải quyết hàng hóa, nông sản cho bà con sau Tết, vì dịch bệnh, một số nơi như Hải Phòng còn dừng tiếp nhận hàng hóa, Hải Dương đã có phương án gì?

- Chiều qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, cùng một số tỉnh, thành bạn về việc giúp Hải Dương lưu thông hàng hóa.

Hải Dương có nhiều khu công nghiệp, hàng hóa đều xuất khẩu, linh kiện nhập khẩu. Nếu các tỉnh, thành không cho xe chở hàng lưu thông sẽ dẫn đến đình trễ sản xuất.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tiến hành phong tỏa hay cách ly vẫn tạo điều kiện sản xuất kinh doanh phát triển nhưng đảm bảo điều kiện sản xuất.

Hải Dương có nhiều giải pháp như tại chốt kiểm soát, chúng tôi yêu cầu lái xe phải làm xét nghiệm và có kết quả âm tính mới được ra vào.

Vì thế, chúng tôi mong muốn các tỉnh, thành hỗ trợ Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch này.

Xin cám ơn ông!

Nhận xét