Sau 1,5 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, bế mạc sáng 17/1.
Hội nghị kết thúc sớm hơn 1,5 ngày so với kế hoạch ban đầu. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị lần này, Trung ương "đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm" và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số trường hợp lần đầu tham gia Ban chấp hành Trung ương khoá XIII.
Trung ương cũng thông qua danh sách bổ sung "trường hợp đặc biệt", gồm một số Uỷ viên Trung ương khoá XII tái cử khoá XIII và một số nhân sự lần đầu tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức.
Danh sách nhân sự là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc "trường hợp đặc biệt" tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các vị ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII, cũng được thông qua "với số phiếu tập trung rất cao".
Ngoài ra, tại hội nghị 15, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã thảo luận và thống nhất cao với tờ trình của Bộ Chính trị về dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII.
Trung ương cũng thông qua các báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác tài chính đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020. Đồng thời, Trung ương yêu cầu Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương, nghiêm túc rà soát lại toàn bộ các khâu chuẩn bị phục vụ Đại hội, để bảo đảm cho Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp.
"Hội nghị của chúng ta đã thành công rất tốt đẹp; công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản được hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra với cách làm hết sức chặt chẽ, dân chủ công tâm khách quan bài bản và tạo được sự thống nhất rất cao", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói và cho biết đây là hội nghị cuối cùng của khóa XII.
Theo ông, suốt nhiệm kỳ khoá XII vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước với biết bao nhiêu khó khăn, biến động khó lường, bao nhiêu thử thách, "nhưng Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đoàn kết một lòng, với quyết tâm và nỗ lực rất cao, đã hoàn thành toàn bộ chương trình công tác toàn khoá đã đề ra, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giành được những kết quả rất quan trọng". Qua đó, "để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới...".
Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ 25/1 đến 2/2 tại Hà Nội, có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Đại hội XIII cũng đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII...
Tại hội nghị lần thứ 12 (tháng 5/2020), Trung ương khóa XII đã dự kiến Ban chấp hành Trung ương khóa XIII gồm 200 người (180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết), với cơ cấu 3 độ tuổi dưới 50, 50 đến 60 và từ 61 trở lên; trong đó phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15-20%; 50 - 60 tuổi khoảng 70% và từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%.
Ông Nguyễn Đức Hà (chuyên gia Xây dựng Đảng) cho biết, theo quy định hiện nay, nhân sự vào dự khuyết Ban chấp hành Trung ương không quá 45 tuổi; lần đầu tiên vào Trung ương chính thức phải còn thời gian công tác hai nhiệm kỳ hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nghĩa là không quá 55 tuổi; đang là ủy viên Trung ương tái cử thì không quá 60; đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử không quá 65.
"Trường hợp đặc biệt" là các nhân sự không nằm trong độ tuổi theo quy định và được các cấp có thẩm quyền cân nhắc kỹ lưỡng, trình ra Ban chấp hành Trung ương tại hội nghị 15 (khóa XII) xem xét, quyết định việc đề cử với đại hội Đảng lần thứ XIII.
Nhận xét
Đăng nhận xét