Mâu thuẫn mới trong làng chống Cộng: “tình cảm dân tộc” vs “những giá trị tự do”

 Trong thời gian tới, các xung đột nội bộ của giới chống Cộng có thể sẽ được làm giàu thêm nhờ một làn ranh mới, đi vào thực chất hơn làn ranh “phò Trump - chống Trump”. Đó là làn ranh ngăn giữa bộ phận theo chủ nghĩa dân tộc và bộ phận theo lý tưởng nhân quyền phổ cập.

Ranh giới này đã thể hiện rõ trong 2 status hồi cuối tháng 12/2020 của Trịnh Hữu Long (chủ bút Luật khoa Tạp chí và thành viên tổ chức VOICE). Long đã mô tả “những giá trị tự do” và “tình cảm dân tộc” như hai hệ giá trị khác nhau, và đang cạnh tranh nhau trong sinh hoạt truyền thông, hoặc trong việc thành lập các tổ chức dân sự:




 Việc công khai phân biệt “những giá trị tự do” với “tình cảm dân tộc”, thậm chí đặt chúng vào thế đối nghịch, là một hiện tượng khá mới trong giới chống Cộng Việt Nam. Trước đây, giới chống Cộng thường khai thác song song cả hai cụm giá trị này trong những hoạt động như “biểu tình chống Trung Quốc” hay “Cách Mạng Cá”. Sự chia tách này có thể là hệ quả của 4 năm xung đột, trong đó một nửa giới chống Cộng sống dựa vào sóng truyền thông “chống Trung Quốc” do Donald Trump và Đảng Cộng hòa Mỹ điều khiển, và nửa còn lại tiếp tục sống nhờ mạng lưới các tổ chức nhân quyền quốc tế từng được hậu thuẫn bởi các chính sách thời Obama. Thật trớ trêu: cả phe “dân tộc” lẫn phe “nhân quyền” đều lệ thuộc vào nước Mỹ, và họ xung đột với nhau vì nước Mỹ, hơn là vì độc lập hay tự do của người Việt Nam.

Việc Trịnh Hữu Long công khai tuyên chiến với cánh theo chủ nghĩa dân tộc có thể xuất phát từ một tình huống nhất thời: Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, khiến dòng tiền tài trợ từ Mỹ được khai thông, và dồn vào túi những tổ chức ủng hộ Đảng Dân chủ như VOICE. Tình thế này cho phép VOICE xem cánh theo chủ nghĩa dân tộc là một đối thủ cạnh tranh cần xóa bỏ, thay vì là một lực lượng mà họ cần hòa hoãn như hồi vài tháng trước. Tuy nhiên, về lâu về dài, xung đột mang tính ý thức hệ giữa hai bộ phận của giới chống Cộng có thể khiến cả hai lụn bại.

Khi cánh theo chủ nghĩa dân tộc đánh mất ngọn cờ dân chủ, họ sẽ thoái hóa thành một thứ tàn dư của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ, một thứ hóa thạch sống bị thế giới coi thường và chối bỏ, do họ không thể cạnh tranh về tính dân tộc với Nhà nước Việt Nam.

Khi cánh tôn thờ “những giá trị tự do” đánh mất ngọn cờ dân tộc, họ sẽ trở lên xa lạ với văn hóa Việt Nam và bài toán chính trị thực tiễn của Việt Nam – một quốc gia phải liên tục tìm cách giữ độc lập, hòa bình khi sống trong vùng giao thoa giữa các nền văn minh và các cường quốc. Thay vì đại diện cho tiếng nói của một bộ phận người Việt Nam, họ sẽ chỉ còn là con tốt để mở rộng trật tự toàn cầu của Mỹ, thứ bảo vệ các tập đoàn đa quốc gia nhiều hơn là bảo vệ tự do, dân chủ.

Suy cho cùng, độc lập dân tộc là điều kiện cần cho tự do cá nhân, và quốc gia là một không gian sinh hoạt cần thiết để có dân chủ. Khi giới chống Cộng đặt “dân tộc” và “tự do” vào thế đối nghịch nhau, họ có thể khiến cho cả hai lý tưởng này mất đi tính thực chất.

Nhận xét