Hôm qua, một đoạn video đăng tải trên Twitter bởi phóng viên Frank Thorp V của NBC News cho thấy những người biểu tình quá khích đã xông vào phòng họp của Thượng viện Mỹ ở Điện Capitol. Được biết cuộc bạo loạn này diễn ra được sự cổ súy của đương kim Tổng thống Donald Trump.
Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào Điện Capitol chiều 6/1, nhằm ngăn chặn Thượng viện chứng nhận chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden. Cuộc tranh luận tại Thượng viện về xác nhận kết quả bầu cử phải tạm dừng trước khi được nối lại nhiều giờ sau đó. Các nhà lập pháp được sơ tán để đảm bảo an toàn.
Cảnh sát trưởng Washington Robert Contee III cho biết ít nhất 13 người đã bị bắt, một người bị bắn chết và một người bị thương nặng do ngã khi cố gắng trèo qua tường rào.
Cựu tổng thống Mỹ Bush bày tỏ sự bàng hoàng trước "hành vi liều lĩnh của một số lãnh đạo chính trị sau cuộc bầu cử", trong khi ông Clinton cáo buộc Tổng thống Trump đã "châm ngòi nổ".
"Đó là cảnh tượng kinh khủng và đau lòng", cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush nói trong tuyên bố hôm 6/1. "Đây là cách tranh cãi kết quả bầu cử ở một nền cộng hòa chuối - không phải ở nền cộng hòa dân chủ chúng ta".
"Tôi bàng hoàng trước hành vi liều lĩnh của một số lãnh đạo chính trị kể từ sau cuộc bầu cử và trước sự thiếu tôn trọng đối với các thiết chế, truyền thống của chúng ta được thể hiện ngày hôm nay", ông nói thêm, theo CNN.
"Cộng hòa chuối" (banana republic) là thuật ngữ chính trị mô tả các quốc gia có nền chính trị bất ổn và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm hữu hạn nào đó, như chuối, khoáng sản... Thuật ngữ này vốn thường được dùng để ám chỉ các nhà nước độc tài.
Ông Bush, đảng viên Cộng hòa, cho rằng vụ "tấn công bạo lực" nhằm vào Điện Capitol được thực hiện bởi "những người mà cảm xúc đã bùng lên vì những lời giả dối và hy vọng hão huyền" và "Sự nổi dậy này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quốc gia và danh tiếng của chúng ta". Ông Bush cũng khẳng định "tại Mỹ, trách nhiệm cơ bản của mọi công dân yêu nước là ủng hộ nền pháp quyền".
Trong khi đó, cựu Tổng thống Bill Clinton nói ngày 6/1 đã chứng kiến "vụ tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Điện Capitol, hiến pháp và đất nước chúng ta".
"Vụ tấn công được thúc đẩy bởi hơn bốn năm chính trị độc hại lan truyền thông tin sai lệch có chủ ý, gây mất lòng tin vào hệ thống của chúng ta và khiến người Mỹ chống lại nhau", ông Clinton, Tổng thống Mỹ thứ 42 nói, theo CNN. "Donald Trump và những người ủng hộ nhiệt tình nhất của ông ấy, bao gồm nhiều người ở quốc hội, đã châm ngòi nổ để lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử mà ông ấy đã thua".
Ông Bill Clinton nói việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình phải được hoàn thành. "Cuộc bầu cử diễn ra tự do, việc kiểm phiếu diễn ra công bằng, kết quả này là cuối cùng. Chúng ta phải hoàn thành việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình mà hiến pháp của chúng ta yêu cầu", ông Clinton tuyên bố.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump, gọi cuộc bạo loạn ở Capitol là “đáng hổ thẹn”. Trong một tweet, ông nói thêm rằng “Mỹ đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng cần phải có một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với đài phát thanh News1130, rằng ông lo ngại về những gì đang xảy ra ở Washington. “Các thể chế dân chủ ở Mỹ rất mạnh và tôi hy vọng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường”, Thủ tướng Trudeau nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảm thấy sốc với những gì đang xảy ra ở Washington. Ông nói: “Kết quả cuộc bầu cử dân chủ này cần phải được tôn trọng”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas viết trên Twitter rằng: “Những lời nói kích động đã biến thành bạo lực ngay trong Điện Capitol”. Ngoại trưởng Maas kêu gọi Tổng thống Trump và những người ủng hộ chấp nhận kết quả bầu cử và ngừng chà đạp nền dân chủ Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian viết trên Twitter: “Bạo lực chống lại các thể chế ở Mỹ là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào nền dân chủ. Tôi lên án điều đó. Ý chí và lá phiếu của người dân Mỹ cần được tôn trọng”.
Lãnh đạo các nước Scotland, Italy và một số nước khác đều lên án cuộc bạo loạn ở Washington và kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Nhận xét
Đăng nhận xét