Ngày 21/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra vụ "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" tại Hà Nội, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát để truy tố 4 bị can, trong đó có cựu Chủ tịch Tp.Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung. Ngày 02/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề nghị Bộ Chính trị khai trừ tư cách Đảng viên của ông Chung. Nhân những diễn biến này, một số gương mặt chống Cộng đã tuyên truyền rằng có người bao che cho ông Nguyễn Đức Chung, cũng như một số nghi phạm trong những vụ tham nhũng khác.
Chẳng hạn, trong một cuộc hội luận được BBC đăng tải hôm 24/11, Lê Quốc Quân nói: “Ông Chung là Ủy viên Trung ương Đảng thuộc thành phần do Bộ chính trị quản lý, cho nên việc quyết định bắt và xử lý ông ấy như thế nào, về hành vi gì, theo tôi đều phải có ý kiến của Bộ chính trị và Ban bí thư. Bài học rút ra ở đây cho tất cả các quan chức là không vi phạm pháp luật, mà nếu có thì phải được cấp trên che chở, phải thuộc về một cánh hẩu đủ mạnh để có thể bao che và cho chìm xuồng các hành vi sai trái của mình.”
Sau khi ông Chung bị đề nghị khai trừ tư cách Đảng viên, hôm 04/12, Trần Quốc Thuận trả lời phỏng vấn BBC rằng: "Nhân đây, tôi thấy cần nói thêm là có rất nhiều vụ (…) như vụ ông Nguyễn Đức Chung, vụ ông Nguyễn Văn Bình (…) là cán bộ, quan chức cấp cao hay khá cao, mà từ đầu khóa XI của Ban chấp hành TƯ đảng không giải quyết, mà bây giờ tới cuối khóa XII, khi sắp mãn khóa mới đưa ra giải quyết. Vậy thì trách nhiệm của những người xử lý từ khóa XI, rồi từ đầu khóa XII đến giờ thì ở đâu? Mấy vị đó ở đâu mà không giải quyết, để đến mức bây giờ nhiều vụ người ta nói đến sát đại hội mới cho nó bùng lên, đó theo tôi là những câu chuyện mà người ta vẫn hô khẩu hiệu là ‘làm cho không lọt người, lọt tội, làm cho kịp thời’.”
Sau khi xem xét vấn đề, tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ nhất, việc các quan chức được cấp trên “bao che” trong quá trình sai phạm không phải không thể xảy ra. Tuy nhiên, không thể khẳng định những nghi ngờ này nếu không có bằng chứng. Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung có hành vi chiếm đoạt tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước trong khoảng thời gian từ tháng 07/2019 đến tháng 06/2020, vì vậy việc xử ông vào cuối Khóa XII không có gì bất bình thường.
Thứ hai, kết quả thống kê cho thấy các vụ án liên quan đến tham nhũng không đợi đến sát Đại hội Đảng mới xuất hiện. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2016-2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng đã chỉ đạo đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ/498 bị cáo. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2019, trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Vì vậy, có thể nói chiến dịch chống tham nhũng đã diễn ra nghiêm túc, thật sự nhằm mục đích làm trong sạch bộ máy chính trị, chứ không phải chỉ vì mục đích “đấu đá nội bộ trước thềm Đại hội” như giới dân chửi tuyên truyền.
Nhận xét
Đăng nhận xét