Ngày 10/12/2020, BBC tổ chức cuộc “hội luận bàn tròn nhân ngày nhân quyền thế giới”. Khi thảo luận, Nguyễn Văn Đài nói rằng hiện chỉ có vài trăm người Việt Nam “đấu tranh cho nhân quyền”, nên mỗi người đều phải trả giá đắt (VD: bị gây sức ép, bị bắt, phải ra nước ngoài tị nạn…). Nếu có hàng nghìn hoặc hàng vạn người đấu tranh, thì mỗi người sẽ không phải trả giá đắt như vậy.
Đáp lời Đài, Nguyễn Hữu Vinh cho rằng hoạt động “đấu tranh cho nhân quyền” không chỉ gói gọn trong “các hoạt động bề nổi” (như biểu tình, ký kiến nghị, viết bài tuyên truyền) của “vài trăm người” mà Nguyễn Văn Đài đang nói đến. Thay vào đó, còn có các chuyển động âm thầm trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc quần chúng – như việc các Đảng viên tố cáo tham nhũng, việc các công chức tìm cách giảm thủ tục hành chính rườm rà, việc người dân công kích các quan chức sai phạm và các dự luật, chính sách bất hợp lý… Những người “đấu tranh bề nổi” cần ý thức được những “đợt sóng ngầm” này, hiểu rằng chúng xuất phát từ sự thay đổi nhận thức dần dần của xã hội, và hiểu rằng mình cần chủ động tự học hỏi để không bị tụt lại so với mặt bằng chung của xã hội. Việc “đấu tranh cho nhân quyền” cần được tiến hành trên cả 2 “mặt trận”, là “đấu tranh bề nổi” và mặt trận “khai dân trí”.
Qua phát biểu của Nguyễn Hữu Vinh, phát biểu của Ngô Anh Tuấn hồi tháng trước, và các hoạt động tập huấn công khai mà VOICE đang tổ chức, có thể thấy nhiều bộ phận trong giới chống đối đang chia sẻ quan điểm rằng họ phải tăng cường lôi kéo các bộ phận khác trong xã hội, bao gồm giới trung lưu thành thị và công chức, Đảng viên.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến:
Thứ nhất, những người trung lập mà Nguyễn Hữu Vinh nêu ra rất khác với giới chống Cộng. Họ phản biện trong phạm vi cho phép của pháp luật Việt Nam, và qua đó giúp hệ thống chính trị của Việt Nam trở nên lành mạnh, được tin tưởng. Có nên đánh đồng họ với các nhóm chống Cộng hoạt động ngoài vòng pháp luật, và không có mục đích nào khác ngoài lật đổ hệ thống chính trị của Việt Nam không?
Thứ hai, nếu lời kể của Nguyễn Hữu Vinh là đúng, thì trình độ văn hóa của giới chống Cộng đang thấp một cách đáng lo ngại. Chẳng hạn, ông Vinh viết:
“Trên trường đời, vì vướng chuyện oan trái, vì tiếp thu được ít nhiều tư tưởng tiến bộ, họ đã dấn thân tranh đấu. Thế nhưng, họ vẫn là những người còn thiếu nhiều vốn kiến thức cần thiết nói chung. Mặt khác, khi dấn thân, họ tự nhiên trở thành ‘ngôi sao’, dễ tự mãn, cho là mình hơn kẻ khác, mà quên rằng có thể thua kém người đời rất nhiều, thua những người cũng tranh đấu đấy, nhưng có phương pháp khác, ôn hòa, khôn khéo hơn, ít phải trả giá quá sớm, quá đắt.”
“Có tư tưởng tiến bộ nói chung, nhưng nếu thiếu những kiến thức nền tảng, từ văn hóa, pháp luật, cho tới các kinh nghiệm tranh đấu của nhân loại cho các quyền con người thì không thể nào tìm được cho mình một lối sống có ích, huống hồ là tham gia thực hiện lý tưởng vì dân chủ tự do của xã hội.”
Nếu mô tả của ông Vinh sát với sự thật, thì trình độ của giới chống Cộng còn thấp hơn mặt bằng chung của xã hội, và họ không hề có tư cách “khai dân trí” như họ thường vỗ ngực tự xưng. Vì sao họ lại bị thoái hóa như vậy? Các “nhà hoạt động dân chủ” nên đặt câu hỏi này, thay vì tiếp tục ảo tưởng rằng mình có tư cách dẫn dắt xã hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét