GS, TS Phạm Quang Minh: “Mùa xuân Arab” không phải một cuộc cách mạng xã hội thực sự

 QĐND Online – Hồi âm về vệt bài, GS, TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã phân tích làm rõ thêm một số vấn đề về cách mạng xã hội, tổ chức dân sự và hoạt động của những tổ chức này tại một số nước, trong đó có Việt Nam…


Chế độ chính trị-xã hội ở mỗi nước không thể áp đặt từ bên ngoài

Khi “Mùa xuân Arab” diễn ra, thậm chí là từ nhiều năm trước đó, các quốc gia phương Tây đã dùng mọi hình thức để can thiệp vào khu vực Bắc Phi–Trung Đông, với ý đồ xây dựng một nền “dân chủ” mới, nhưng đã không thể thực hiện được. Qua đó cho thấy rằng, bất kỳ thế lực bên ngoài nào cũng không thể áp đặt hay xây dựng một “chế độ” tốt đẹp hơn lên một quốc gia khác mà ở đó người dân không đồng thuận và không phù hợp với nền tảng lịch sử, văn hóa, chính trị xã hội của họ. Chỉ có người dân tại chính các quốc gia đó mới quyết định được một chế độ như thế nào, một nền quản trị như thế nào là phù hợp và phát huy được thế mạnh của mình. Hơn nữa, những cuộc biểu tình, lật đổ, thay đổi chính phủ dù thế nào cũng vẫn chưa phải là những cuộc cách mạng xã hội thực sự. Một chế độ phù hợp với các điều kiện về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội, sẽ đạt được thành công khi biết lấy dân làm gốc.

GS, TS Phạm Quang Minh.

Với những gì đang diễn ra tại một số nước khu vực Bắc Phi-Trung Đông trong suốt 10 năm qua cho thấy, người ta có thể lật đổ một nhà lãnh đạo, nhưng không thể lật đổ được một thể chế. Việc xây dựng một thể chế đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài từ các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị…. Và thực tế đã chứng minh, dù nhà lãnh đạo một số nước Bắc Phi-Trung Đông bị lật đổ, thì trong suốt nhiều năm sau đó, các cuộc đảo chính vẫn tiếp diễn, tình trạng bất ổn vẫn kéo dài, bởi chưa có một lực lượng, đảng phái hay nhân vật nào đủ uy tín và năng lực đáp ứng được kỳ vọng của người dân. 

Về vấn đề tổ chức dân sự, cũng như hoạt động tuyển mộ, đào tạo “những chiến binh mạng” của phương Tây tại một số quốc gia xảy ra “Mùa xuân Arab”, Giáo sư Phạm Quang Minh cho rằng, xét trên bình diện quốc tế thì những tổ chức dân sự không phải là xấu, mà nó thể hiện tính chất đa dạng của một xã hội, của một nền kinh tế và trình độ phát triển của các quốc gia. Thông thường, các tổ chức dân sự đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của các tầng lớp xã hội khác nhau như: Công nhân, nông dân, tri thức…, và họ góp phần thúc đẩy xã hội đó phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, tại các nước Bắc Phi–Trung Đông, các tổ chức dân sự đã lợi dụng sự khiếm khuyết của các chính phủ, kích động người dân lật đổ chính quyền nhằm trục lợi. Hơn nữa, những tổ chức này còn được tiếp tay bởi các thế lực bên ngoài nhằm có được những ảnh hưởng về mặt chính trị tại các quốc gia có vị trí chiến lược hoặc có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ.

Điều cần nói thêm là, ở một số quốc gia, trong đó có các quốc gia ở Bắc Phi-Trung Đông, sự phát triển của những tổ chức dân sự đã vượt lên trên sự phát triển của xã hội. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, về mặt tổ chức xã hội, một số nước vẫn ở giai đoạn chưa có nhận thức cao về những vấn đề dân chủ, nhân quyền hay tự do. Vì vậy, khi được kêu gọi xuống đường với những khẩu hiệu như: “dân chủ”, “nhân quyền”, “cải cách chế độ”…, người dân đã thể hiện sự bất bình của mình mà không nhận thức được rằng cần một quá trình chuẩn bị lâu dài về mặt tư tưởng, kinh tế, xã hội thì mới có thể thực hiện được những điều đó.

Không để lòng yêu nước bị lợi dụng

Soi chiếu vấn đề này vào Việt Nam, thời gian qua, núp dưới vỏ bọc tổ chức phi chính phủ (NGO) theo mô hình “xã hội dân sự”, một số tổ chức đã móc nối, tuyển chọn một số thanh niên trong nước đưa ra nước ngoài đào tạo, nhưng thực chất là để tập hợp lực lượng, kích động bạo loạn, biểu tình trong nước; huấn luyện đào tạo cho các cá nhân, hội nhóm người Việt trong và ngoài nước âm mưu gây dựng các tổ chức chính trị đối lập, tiến tới lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

GS, TS Phạm Quang Minh cho rằng, thật hoang đường khi nghĩ rằng tuyển chọn một vài cá nhân, đưa ra nước ngoài huấn luyện, sau đó tung về nước thực hiện âm mưu lật đổ chế độ vốn được xây dựng bằng mồ hôi, công sức của biết bao thế hệ. Đó không chỉ là sự sai lầm trong nhận thức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Họ không hiểu được rằng, muốn thay đổi cuộc sống hay một chế độ nào đó thì phải cần những điều kiện thực tế, phải có cương lĩnh hành động, có tổ chức như các chính đảng, hay những tổ chức chính trị có đầy đủ các điều kiện về mặt pháp lý, tổ chức, tư tưởng, học thuyết mới có thể thực hiện được. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải là từ trong nhân dân. Thực tế cuộc sống của một quốc gia sẽ cho con người ta biết phải làm gì, phải làm như thế nào chứ không phải tuyển chọn một vài cá nhân đưa ra nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng là có thể làm nên chuyện. Những người có hiểu biết và cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải kiên quyết lên án, ngăn chặn những hành động như vậy, bởi đó không phải là tiếng nói hay nguyện vọng của người dân, thậm chí còn khiến đất nước rơi vào bất ổn, chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Trước một số vụ việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của đất nước, sự cố môi trường hoặc một vấn đề gây bức xúc trong xã hội, người dân có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép, thông qua các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương, thậm chí ngay từ cơ quan, nhà máy nơi làm việc. Lòng yêu nước phải thể hiện đúng cách, không nên để các thế lực xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, đập phá trụ sở cơ quan công quyền, nhà xưởng; chống đối người thi hành công vụ; ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ và uy tín của đất nước. Đó là việc làm trái pháp luật, sẽ bị lên án và xử lý nghiêm minh.

Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ và truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dân sử dụng mạng xã hội, với khoảng 64 triệu tài khoản Facebook và 35 triệu tài khoản YouTube. Đây là một “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch phát tán thông tin xấu độc, thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Từ trước tới nay, chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng các loại hình báo chí truyền thống. Nhưng với số người dùng mạng xã hội đông đảo như vậy, chúng ta cần phải làm chủ mặt trận thông tin này. Không chỉ làm tốt công tác quản lý, mà còn phải phát huy tính năng, ưu thế của mạng xã hội vào hoạt động truyền thông. Phải làm sao để mỗi công dân là một người sử dụng thông thái, biết tự bảo vệ mình trước các luồng thông tin trái chiều.

***

GS, TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời phỏng vấn Báo QĐND.

VĂN DUYÊN-TRUNG THÀNH (thực hiện)

Nhận xét