Chấm dứt học giả, thi giả, đào tạo giả

 Bộ GD&ĐT đã làm việc, trao đổi và đi đến thống nhất với Bộ Nội vụ về việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Đây được xem là một trong những bước thay đổi quan trọng, tiến bộ và phù hợp với tình hình mới.


Từ bằng giả của ĐH Đông Đô

Mới đây CQĐT đã đề nghị truy tố một số cán bộ nguyên lãnh đạo ĐH Đông Đô liên quan đến sai phạm trong việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Đáng chú ý trong số những đối tượng dùng bằng tiếng Anh giả của trường này có đến 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại thì có một người làm điều kiện học thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một trường hợp thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.

Thực tế cho thấy, hiện nay, bằng, chứng chỉ tiếng Anh, tin học là điều kiện cần của các cuộc tuyển dụng viên chức, công chức, thi nâng hạng, nâng lương hiện nay. Cũng bởi vậy, mà nhiều người chạy đua để có được bằng tiếng Anh cho đủ hồ sơ, chứng chỉ. Không chỉ ở cấp bậc cao, cần điều kiện nghiên cứu sau ĐH, mà ngay cả đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cũng cần những chứng chỉ tin học, không sử dụng để… thăng hạng, nâng lương.

Cần chứng chỉ nhưng không sử dụng, không có thời gian đi học nên mới có chuyện: Không học mà có chứng chỉ, không tổ chức dạy mà có điểm và mở ngành đào tạo nhưng không đào tạo vẫn có cấp bằng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra trong quá trình đào tạo ở các trường sư phạm, các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thừa nhận nếu toàn dân biết ngoại ngữ thì quá tốt. Nhưng yêu cầu giáo viên nào cũng phải biết ngoại ngữ là điều không tưởng. Nên khi đặt ra quy định vượt quá khả năng thật của giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó.

Xóa bỏ những chứng chỉ không cần thiết cũng sẽ góp phần xóa bỏ học giả, bằng giả, đào tạo giả. Ảnh tư liệu

Bỏ chứng chỉ không cần thiết là mong mỏi từ lâu

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức tại Công văn số 4853 ngày 16-9-2020 và Công văn số 5646 ngày 27-10-2020; sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ hiện thực hóa trong chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sắp được ban hành.

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Đã có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực.

Khi Luật Viên chức sửa đổi ban hành, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu xây dựng các Thông tư mới quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Điểm nhấn đáng chú ý của các Thông tư này, theo ông Đặng Văn Bình, chính là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.

Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản và đơn vị đầu mối là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ trình Lãnh đạo Bộ ban hành chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong tháng 12 này.

Xóa bỏ những chứng chỉ không cần thiết cũng sẽ góp phần xóa bỏ học giả, bằng giả, đào tạo giả. Vì thế, quy định này được cho là bước tiến và đã được mong mỏi từ lâu.

Nhận xét