Quay phim tổ công tác rồi gọi người nhà đến tấn công CSGT TP.HCM, An và Út vừa bị khởi tố, bắt tạm giam hôm nay, 3/12.
Ngày 3/12, lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM xác nhận đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đối với Trần Hoàng An (26 tuổi) và Trần Văn Út (31 tuổi) về tội "Chống người thi hành công vụ".
Trần Hoàng An và Trần Văn Út là hai trong số những người có mặt trong vụ tấn công cán bộ Trạm CSGT Tân Túc (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) vào chiều 1/12 trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 16h ngày 1/12, đại úy Hồ Trọng Nghĩa và thượng úy Huỳnh Phúc Đạt (cán bộ của Trạm CSGT Tân Túc) đang làm nhiệm vụ tuần tra trên đường Nguyễn Văn Linh thì phát hiện An không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy ngược chiều trên đường.
Nhìn thấy tổ CSGT, An dừng xe (cách chừng 15m) rồi dùng điện thoại để quay clip. Lúc này, đại uý Nghĩa đến nhắc nhở thì nhận thấy mùi bia, rượu từ người An nên yêu cầu làm việc. An không chấp hành mà còn tát đại úy Nghĩa. Sau đó, An gọi điện cho ông Trần Văn Út tới, chửi bới, đánh hai CSGT.
Ngay sau đó, nhóm người nhà của An đến hiện trường can ngăn, tạo nên một cuộc hỗn loạn trên đường phố.
Trần Hoàng An được nhóm người thân đi cùng đưa lên xe kẹp 3 định rời đi nhưng bị lực lượng CSGT chặn lại. Diễn biến vụ việc được người dân quay lại rồi đưa lên mạng xã hội.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hành vi của Trần Hoàng An và Trần Văn Út đã có dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ.”.
Luật sư Tuấn phân tích: Trần Hoàng An khi tham gia giao thông vi phạm qui định của luật giao thông đường bộ khi không đội nón bảo hiểm và điều khiển xe đi ngược chiều. Đồng thời, qua đoạn video clip khi xảy ra vụ việc thể hiện An có hành vi dùng vũ lực tấn công CSGT.
Hành vi của An đã có dấu hiệu của “Tội chống người thi hành công vụ” theo qui định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều luật này quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh cần điều tra, làm rõ hành vi của An, đồng thời lấy lời khai của 4 người khác đến giải cứu và ngăn cản tổ CSGT để chở An tẩu thoát.
Trường hợp An và 4 người đi cùng phạm tội thuộc các trường hợp tại Khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Cụ thể, phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Nhận xét
Đăng nhận xét