Xoay quanh phát biểu của anh Sùng Thìn Cò, một thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân, người cùng với Phạm Đoan Trang lập ra và quản trị trang mạng phản động "Luật khoa Tạp chí" là Trịnh Hữu Long đã có những phát biểu với BBC trong bài "Khi Đại biểu Quốc hội VN xin lỗi và nói rằng Công an đông quá". Có thể nói, những phát biểu của Trịnh Hữu Long là rất nguy hiểm, với những kích động chia rẽ, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, kêu gọi "đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam".
Bình luận về câu nói của tướng Sùng Thìn Cò, Trịnh Hữu Long nói: "Theo tôi, ông Sùng Thìn Cò không phải ngẫu nhiên mà phát biểu như vậy được, không có ai tự nhiên mà lại đi "trêu" ngành công an và lãnh đạo Bộ Công an như vậy cả. Cần lưu ý rằng ông Sùng Thìn Cò là một tướng lĩnh bên quân đội, phát ngôn của ông ấy, tôi cho rằng có thể đại diện cho một nhóm trong quân đội đang cảm thấy bị ngành công an lấn sân quyền lực, đang cảm thấy quyền lực của họ trong bộ máy chính quyền, cũng như trong quản lý xã hội càng ngày càng ít đi, giảm thiểu do sự lấn sân của ngành công an và Bộ Công an. Đó có thể coi là tiếng nói của một nhóm lợi ích và tôi cho rằng còn nhiều nhóm lợi ích khác nữa trong nội bộ của đảng cộng sản và trong chính quyền mà đang cảm thấy một áp lực ngày càng lớn từ ngành Công an và bộ Công an rằng ngành này đang lấn sân họ, gây áp lực mà họ phải bị ảnh hưởng thế này, thế kia và làm ảnh hưởng tới lợi ích của rất nhiều người".
Đó chính là luận điệu nhằm chia rẽ công an với quân đội. Đó cũng là luận điệu làm suy giảm lòng tin của người dân với công an, với quân đội, với đảng và chính phủ.
Cuối cùng, BBC và Trịnh Hữu Long cũng không quên "tìm giải pháp" bằng cách kêu gọi "Phi chính trị hóa và phi tập trung hóa bộ máy công an".
Theo Trịnh Hữu Long, có 2 việc cần làm là phải phi chính trị hóa bộ máy công an và tập trung hóa bộ máy công an.
Thật nực cười, khi Long nói công an phải nằm ngoài chính trị, không phục vụ đảng phái nào. Có lẽ Long quên rằng, dù đa đảng hay một đảng thì thực chất cũng vẫn chỉ có một đảng cầm quyền gắn liền với một chế độ chính trị nhất định và công an có nghĩa vụ phải trung thành với chế độ ấy và trở thành tài sản của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Bàn về câu chuyện này, Tây có thể khác ta về cơ cấu tổ chức bộ máy. Ở Mỹ hay phương Tây thì các cơ quan có chức năng giống như Bộ công an Việt Nam có thể nằm tản mạn ở các Bộ khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ bảo vệ ANQG và TTXH. Giữa công an và quân đội dù có chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng cũng sẽ có những điểm chung là bảo vệ chế độ chính trị của đất nước. Đó chính là bản chất chính trị của lực lượng vũ trang.
Một luận điệu cực kỳ phản động của Trịnh Hữu Long là phải "phi tập trung hóa bộ máy công an". Theo Long, hiện tại bộ máy và hệ thống chính trị trong công an Việt Nam được xây dựng theo hệ thống thống nhất từ trung ương xuống địa phương là một mối đe dọa với các lực lượng khác. Long viết: "Đây là một bộ máy từ trung ương quản lý thống nhất xuống cả địa phương đảm bảo cho việc huy động lực lượng rất lớn khi cần để phục vụ quyền lực của đảng và của chính ngành này, và đó chính là một mối nguy, mối đe dọa đối với bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác, và bản thân nó, tự nó có thể biến thành một nhà nước trong một nhà nước, và nó đủ sức đe dọa các thiết chế khác trong xã hội, như có thể đe dọa Tòa án, đe dọa Quốc hội, đe dọa Chính phủ và bất kỳ ai". Từ đây Long kêu gọi "tách cơ quan công an trung ương ra khỏi các cơ quan công an địa phương, cơ quan công an địa phương là do chính quyền địa phương lập ra, còn cơ quan công an trung ương là do chính quyền trung ương lập ra, tách ra như vậy và phi tập trung hóa" nhằm ngăn chặn mối đe dọa như trên đã nói.
Nói như Trịnh Hữu Long thì ở Mỹ, cảnh sát liên bang và cảnh sát bang sẽ là 2 lực lượng tách rời, không phụ thuộc vào nhau chăng? Tương tự như thế, những yêu cầu của cơ quan bảo vệ ANTT cấp trung ương của nhà nước Đức, Pháp sẽ không có giá trị nào đối với các cơ quan bảo vệ ANTT của các địa phương?
Cơ cấu tổ chức của Bộ Công an là một thể thống nhất từ trên xuống dưới và có liên hệ gắn bó với các bộ ngành cũng như các địa phương. Dù bộ máy công an là một thể thống nhất, độc lập nhưng nó vẫn hoạt động theo cơ chế song trùng trực thuộc và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền.
Những luận điệu xảo trá của Trịnh Hữu Long dù khó qua mắt được các nhà nghiên cứu nhưng cũng rất dễ qua mặt được những người nhận thức chưa tới, hoặc lười đọc.
Nên nhớ rằng, đây là thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội đảng và theo quy luật đây sẽ là thời điểm mà các thế lực thù địch luôn rình rập và luôn biết cách "chớp thời cơ", lợi dụng mọi thứ có thể để kích động, xuyên tạc tình hình chính trị Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ giữa đảng, chính phủ với nhân dân, chia rẽ lực lượng vũ trang và kêu gọi lật đổ chế độ bằng mọi hình thức.
Nhận xét
Đăng nhận xét