Các lực lượng cứu hộ cứu nạn tích cực tìm kiếm những người mất tích tại hiện trường khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ.
Đến 19 giờ 30 phút tối 15-10, tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy 13 thi thể trong Đoàn cán bộ công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nạn đêm 12-10.
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã xác định danh tính các cán bộ, chiến sĩ gặp nạn tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ khi đang trên đường đi cứu hộ, cứu nạn công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 bị đất đá sạt lở, mất tích đêm 12-10.
Trước đó, Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 cũng đã chỉ đạo lực lượng tìm kiếm các nạn nhân kéo dài công tác cứu nạn xuyên đêm. Với gần hai triệu mét khối đất non mềm vùi lấp toàn bộ Tiểu khu 67, cán bộ chiến sĩ tham gia cứu nạn phải thực hiện nhiệm vụ thực sự an toàn, nhưng cũng cần khẩn trương, nhằm tìm kiếm bằng được các nạn nhân còn lại.
Khi trời đã tối hẳn, thời tiết diễn biến càng xấu hơn. Tuy nhiên, các lực lượng vẫn quyết tâm tiến hành tổ chức tìm kiếm trong đêm để tìm những nạn nhân còn lại. Tại hiện trường, các bóng đèn công suất lớn đã được thắp lên ở những vị trí trọng điểm, với mong muốn tìm được các anh sớm nhất có thể. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng trực tiếp đến hiện trường, động viên, chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân còn lại trong thời gian sớm nhất.
Cùng với lực lượng chức năng đã khoanh vùng vị trí trọng điểm để tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm, nỗ lực tranh thủ từng giờ, từng phút, chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân tại vị trí nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67. Các đơn vị cũng đồng thời tiếp tục thông tuyến đến khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.
Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy toàn bộ thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Các thi thể vừa tìm kiếm được cơ quan chức năng đưa lên xe cứu thương và chở về Bệnh viện Quân y 286 tại TP Huế để tiến hành nhận diện, làm lễ truy điệu trong thời gian sớm nhất.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Công điện số 5, dự báo chiều tối 15 đến 19-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (khả năng mạnh lên thành bão) khiến ở Thừa Thiên Huế xảy ra mưa to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500mm, có nơi hơn 600mm, nguy cơ sạt lở vùng núi, ven sông, biển. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dự báo mưa lũ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước đó, ngày 12-10, trong đợt mưa lũ lớn tại Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND tỉnh nhận được thông báo về vụ sạt lở đất tại khu vực công trình thủy điện Rào Trăng 3. Ngay lập tức, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lực lượng, phối hợp Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu 4 đóng tại huyện Phong Điền hành quân vào thượng nguồn sông Rào Trăng để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ kịp thời.
Điều đáng nói, Sở chỉ huy này cũng chỉ mới được thành lập từ 17 giờ ngày 11-10, với nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình mưa lũ; chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.
Đoàn công tác xác minh thông tin có 21 người, gồm chiến sĩ quân đội và cán bộ địa phương do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
Khoảng 14 giờ ngày 12-10, Đoàn xuất phát từ cơ quan Huyện ủy, thị trấn Phong Điền bằng phương tiện ô tô đi thủy điện Rào Trăng. Khi đến khu vực gầm tràn Khe Cát trên đường 71, do nước ngập sâu, chảy xiết, xe ô tô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3. Vị trí đoàn bắt đầu đi bộ cách hiện trường vụ việc khoảng 13km, với nhiều điểm sạt lở, chia cắt nên đoàn phải băng rừng, vượt núi để tiến về phía trước.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, do mưa lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, một vụ sạt lở núi phía sau nơi Đoàn nghỉ xảy ra. Đất đá từ nơi sạt lở trôi trượt làm vùi lấp căn nhà mà đoàn đang nghỉ, may mắn có tám người kịp chạy thoát.
Trong bốn ngày qua, nhiều phương án cứu hộ cứu nạn cùng hàng nghìn người thuộc Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế và các lực lượng khác đã được huy động, tập trung thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn những người bị mất tích. Nhiều máy móc, phương tiện cũng đã được đưa vào hiện trường để khơi thông các điểm sạt lở, thông tuyến đến vị trí cần tìm kiếm.
Hiện tại, các lực lương chức năng của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 16 công nhân bị mất tích còn lại tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 theo đường 71. Trước đó một ngày, lực lượng chức năng đã tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường sông.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, lực lượng đang khẩn trương tìm kiếm các thi thể, người mất tích vì ngày mai dự báo sẽ khó khăn hơn do mưa vì ảnh hưởng bão. So với hiện trạng lở núi đồi thì phía thủy điện Rào Trăng 3 kinh khủng hơn nhiều. Cả nửa quả núi lớn đổ sập xuống. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã mời thêm lực lượng chuyên dụng về flycam ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và sẽ sử dụng công nghệ tầm nhiệt, truyền hình ảnh trực tiếp để tìm người.
Trong đêm nay, công tác cứu hộ các nạn nhân gặp nạn thủy điện Rào Trăng 3 vẫn được triển khai theo hai mũi đường bộ và đường thủy. Ngoài lực lượng quân đội chủ trì, tiếp cận hiện trường bằng tuyến đường 71, một mũi khác do cán bộ Công an tỉnh làm nòng cốt sẽ theo đường thủy, tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 rồi vòng qua Rào Trăng 3, tập trung tìm kiếm 16 công nhân mất tích còn lại.
Như vậy, đến tối nay, ngoài 13 người của Đoàn cán bộ làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn mất tích tại Trạm Kiểm lâm tiểu khu 67, hiện vẫn còn 16 công nhân ở nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 chưa thể liên lạc được.
Danh tính 13 cán bộ tham gia phòng chống lụt bão gặp nạn
Về phía Quân khu 4:
- Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.
- Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng TaC/QK4.
- Trung tá Bùi Phi Công, Cục phó Cục Hậu cần Quân khu 4.
- Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó Trưởng phòng xe máy, Quân khu 4.
- Thượng tá Lê Tất Thắng, Tham mưu trưởng, Lữ 80, Quân khu 4.
- Đại Nguyễn Nguyễn Cảnh Dương, Đại đội trưởng Lữ 80, Quân khu 4.
- Thượng úy Đinh Văn Trung, Nhân viên Lữ 80, Quân khu 4.
Về phía Bộ Tổng tham mưu
- Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục Cứu hộ - Cứu nạn.
Về phía Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế:
- Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
- Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.
- Thượng úy Trương Anh Quốc, Nhân viên Trạm ĐB/PTM.
Về phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế:
- Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.
- Ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhận xét
Đăng nhận xét