Lực lượng Công an sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ

 Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng để phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc từ năm 2021.


Trình Quốc hội tờ trình Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào chiều nay (24/10), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Điều này, theo Bộ trưởng Lịch, nhằm thực thi Hiến pháp năm 2013 và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch trình bày tờ trình Nghị quyết

“Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và Cục Hoạt động hoà bình tại Trụ sở Liên hợp quốc” – Bộ trưởng Lịch thông tin.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, ông Lịch cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai; thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc…

Thời gian tới dự kiến thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý và phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc từ năm 2021.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

“Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021” – Bộ trưởng Lịch khẳng định.

Tuy nhiên, do việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ mới, hiện chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội nên quá trình triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý. Vì lẽ này, Bộ trưởng Lịch nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là phù hợp và cần thiết.

“Mục đích xây dựng Nghị quyết là nhằm xây dựng khung pháp lý về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn” – Bộ trưởng Lịch nêu rõ.

Được biết, dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều, bám sát 3 chính sách. Cụ thể, chính sách 1 về Quy định cụ thể về tổ chức và xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Chính sách 2 về Xác định rõ quy trình, thẩm quyền quyết định việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Chính sách 3 về Hoàn thiện cơ chế đảm bảo nguồn lực cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Nhận xét