GS.TS Trần Đông A: Nói gì, làm gì đều phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

 

Sáng nay tình cờ đọc được bài báo nói về GS.TS. BS Trần Đông A, người đã có ca mổ thành công tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi cách đây 3 tháng. Càng đọc, càng cảm phục ông, một người từng có quá khứ tham gia Ngụy quân Sài Gòn và nay trở thành anh hùng lao động và là Thầy thuốc Nhân dân.

Chia sẻ nhiều khía cạnh cuộc sống, tôi chú ý đến quan điểm của ông về hòa hợp, hòa giải dân tộc và bản lĩnh của ông trước thái độ của những kẻ luôn tìm cách phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Câu hỏi của phóng viên là: Không ít người là chuyên gia trên các lĩnh vực, sau khi nổi tiếng thường được một bộ phận truyền thông quốc tế và hải ngoại quan tâm rất kỹ lưỡng. Một số trường hợp có biểu hiện sa đà quá mức, có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, phán xét những vấn đề ngoài chuyên môn, ngoài tầm hiểu biết của mình, tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công kích, chống phá đất nước. GS có lúc nào rơi vào hoàn cảnh này không?

Một cách thẳng thắn, GS Trần Đông A trả lời: "Có chứ! Chẳng phải đến bây giờ người ta mới để ý khai thác mà truyền thông quốc tế và hải ngoại đã quan tâm đến tôi từ rất lâu rồi, bởi tôi từng là sĩ quan quân y phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi là một trong 30 trường hợp được ưu tiên, bảo lãnh cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) để sang Mỹ định cư, nhưng tôi đã khước từ, quyết định ở lại đất nước. Sau ca mổ tách cặp song sinh Việt-Đức, tôi liên tục được mời đi nhiều nước tham quan, giao lưu, tham dự các hội nghị quốc tế, gặp gỡ nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong khuôn khổ của những diễn đàn ấy, người ta không chỉ hỏi mình về chuyên môn mà còn đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm chính trị, đường lối đối ngoại của đất nước, về hòa hợp dân tộc, tình hình thời sự của đất nước. Nếu mình không tỉnh táo, rất dễ nói “hớ”. Từ những phát ngôn thiếu cân nhắc, có thể dẫn đến những sai lầm, hậu quả rất khó lường".

Ông nói thêm: "Quan trọng nhất vẫn là ý thức dân tộc, bản lĩnh chính trị. Đi đâu, làm gì mình cũng phải thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước. Nói gì, làm gì đều phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Người nổi tiếng càng đòi hỏi phải có bản lĩnh, bởi những phát ngôn của cá nhân, dù trong hoàn cảnh nào, về lĩnh vực gì cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn với công chúng, nhất là trong môi trường công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay".

Dẫn chứng cho điều này, GS Trần Đông A kể, năm 2003, khi sang Mỹ, trong một diễn đàn có nhiều nghị sĩ và truyền thông tham dự, người ta hỏi tôi: “Được biết ngài từng bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt cải tạo 2 năm sau ngày giải phóng miền Nam. Ngài có bị họ phân biệt, đối xử không”? Tôi trả lời: “2 năm trong trại cải tạo là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với tôi. Nhưng sau đó và cho đến hôm nay nhìn lại, tôi luôn thấy đó là điều cần thiết. Nếu có sự phân biệt đối xử, chắc hôm nay tôi không có vinh hạnh được gặp quý vị ở đây”. Đó là một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Người ta hỏi nhanh và tôi cũng trả lời rất nhanh. Câu trả lời ấy đã được nhiều người tán thưởng. Lại có lần truyền thông một nước đặt vấn đề như thế này: Ở nhiều nước, dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam nhưng người ta có 4-5 đảng, kinh tế mạnh hơn hẳn Việt Nam. Tại sao Việt Nam dân số đông lại chỉ có một đảng? Có phải vì thế nên Việt Nam vẫn nghèo? Tôi nói, ở Việt Nam, thế hệ như tôi đã mất hơn nửa cuộc đời chìm trong khói lửa chiến tranh thì làm sao đất nước có thể giàu nhanh được. Những người như tôi, cho dù trước đây đứng ở bên kia chiến tuyến, nhưng hiện nay chỉ có khát vọng duy nhất là giữ cho đất nước hòa bình, ổn định, phát triển. Vì vậy chúng tôi chỉ cần có một đảng thôi. Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng đặt trong bối cảnh chung, trong lúc nhiều nước xảy ra khủng bố, bạo loạn, biểu tình, nội chiến... thì hơn 90 triệu dân Việt Nam vẫn chung sống thân thiện, đoàn kết. Vậy, chúng tôi đâu cần phải có nhiều đảng để rước cái rối ren, phức tạp cho quốc gia, dân tộc?".

GS Đông A cho biết, hiện nay tư tưởng thù hận vẫn còn dai dẳng ở một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài và cả một số thành phần ở trong nước. Trước những biểu hiện kích động hận thù, chống đối, cản trở hòa hợp dân tộc, chúng ta phải luôn bình tĩnh, đường hoàng trong ứng xử, vì lẽ phải, chân lý thuộc về mình. Nếu mình cũng có biểu hiện cay cú như họ, rồi thì đôi co, “trả đũa” nhau trên truyền thông và mạng xã hội thì không nên. Mình phải nói lẽ phải. Nói phải thì củ cải cũng nghe. Khi tôi sang Mỹ, gặp những thành phần chống đối, ban đầu họ tỏ thái độ ra mặt. Nhưng tôi cứ bình thản bước vào hội trường, đường hoàng đăng đàn phát biểu. Họ thấy mình như thế thì ngay sau đó họ kiếm cớ “lủi” mất. Vậy là người phải xấu hổ là họ chứ đâu phải mình. Khi ra nước ngoài, giữ phong thái, vị thế của đất nước là rất quan trọng. Bạn bè quốc tế người ta nhìn mình để đánh giá đất nước, dân tộc mình. Vì thế, chúng ta phải chứng tỏ cho người ta thấy, những gì mà một bộ phận người Việt thể hiện tư tưởng chống đối, thù địch với đất nước chỉ là thiểu số, lạc lõng.

GS Trần Đông A nhấn mạnh, trước hết và trên hết, muốn hòa hợp thực chất, hiệu quả, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, mang tinh thần xây dựng. Mọi hành động, việc làm hướng về quê hương đất nước phải thực tâm. Đã là người Việt Nam thì phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

***
GS.TS. BS Trần Đông A sinh năm 1941 quê gốc Nam Định cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954. Sau khi tốt nghiệp Tú tài II, ông thi đậu chứng chỉ PCB của Đại học Khoa học Sài Gòn, sau đó theo học Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau khi ra trường, ông phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù của Ngụy quân Sài Gòn, từng tham gia trận Làng Vây thuộc Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh với tư cách là một Y sĩ quân y. Nổi danh là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, ông thường xuyên phải thực hiện các ca mổ ngay tại chiến trường trong các phòng mổ dã chiến và là Bác sĩ có số ca mổ dã chiến nhiều nhất trong Sư đoàn Dù. Ông được khen thưởng nhiều huy chương (ít nhất 5 Huy Chương Anh dũng Bội tinh) kể cả một huân chương của Sư đoàn Không kỵ Hoa Kỳ. Ông từng được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas để nâng cao tay nghề. Năm 1975, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa với cấp bậc Thiếu tá.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông từ chối sang Mỹ định cư, tham gia học tập cải tạo, thực hiện cuộc hành trình phấn đấu, cống hiến bền bỉ. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI và XII; là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên tục từ khóa VI đến nay. Không chỉ đóng góp xuất sắc cho y học nước nhà, GS Trần Đông A còn là tấm gương mẫu mực về y đức và tinh thần cống hiến. Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2006, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2008.

Ông được Sách Kỷ lục Guinness ghi danh sau ca mổ hai cháu bé song sinh dính nhau là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức và mới nhất, GS.TS. BS Trần Đông A cũng chính là người mổ cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi hôm 15/7/2020 vừa qua.

Nhận xét