Đề xuất xử phạt hành vi xúc phạm Đảng kỳ, Quốc huy

 Nêu thực tế có hành vi xúc phạm Đảng kỳ nghiêm trọng, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất bổ sung quy định xử phạt hành chính với người xúc phạm Đảng kỳ, Quốc huy...


Toàn cảnh phiên thảo luận sáng ngày 22/10

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng nay, 22/10, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, đã có nhiều quy định xử phạt liên quan tới các hành vi vi phạm khác nhau, tuy nhiên, trong đó chưa có hành vi xúc phạm Đảng kỳ, Quốc huy.

Đây là những biểu tượng thiêng liêng của Đảng, Nhà nước. Việc xúc phạm Quốc kỳ đã có quy định xử lý hình sự. Trong khi đó, thời gian qua có những hành vi xúc phạm Đảng kỳ rất nghiêm trọng như vứt Đảng kỳ xuống đất để giẫm, đạp. Việc xử lý hình sự chưa có, xử lý hành chính cũng không đối với hành vi vi phạm này.

“Do đó, cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi xúc phạm Đảng kỳ, Quốc kỳ, Quốc huy khi chưa tới mức xử lý hình sự”, đại biểu Tô Văn Tám nói.

Ngoài nội dung trên, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng góp ý liên quan tới việc xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự luật đã không quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ 12 – 18 tuổi mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật phòng, chống ma túy.

Đồng tình với quy định này, song ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng, quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì giao cho UBND cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba tổ chức quản lý là không khả thi.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị xem xét lại sửa đổi quy định tại điều 140 về việc giáo dục dựa vào cộng đồng, giao cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục đối với trẻ sử dụng ma túy từ 12 -14 tuổi.

“Ma túy gọi là “ma” mà giao gia đình quản lý, giáo dục là rất khó vì gia đình cũng chưa lường được rủi ro, nguy cơ. Những đối tượng này cần cán bộ chuyên môn có hiểu biết sâu sắc”, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai nói.

Cũng tại dự thảo Luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ đã quy định “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy”.

Quy định này nhằm đảm bảo tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, nên cân nhắc bởi có thể sẽ ảnh hưởng tới quyền cơ bản của công dân.

Nhận xét