Ngày 14/09/2020, TAND Tp. Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm nhóm bị cáo trong vụ án Đồng Tâm trong đó Lê Đình Công và Lê Đình Chức lĩnh án tử hình. Ngày 25/09, hai thành viên VOICE là Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn đã công bố “Báo cáo Đồng Tâm” phiên bản thứ 3, bằng song ngữ Anh - Việt, dày 130 trang (nối tiếp phiên bản thứ 2 được ra mắt hồi tháng 02/2020). Trong suốt tuần cuối tháng 9, Đoan Trang và Will Nguyễn đã chủ động quảng bá báo cáo này thông qua 3 cuộc phỏng vấn trên các báo nước ngoài (gồm RFA, VOA, SBS) và một số bài viết trên Facebook cá nhân.
Trong các bài viết và phỏng vấn này, họ đã đưa ra một số thông điệp tuyên truyền về các tình tiết của vụ án.
Ngoài việc nhắc lại những biểu hiện vi phạm thủ tục tố tụng, như đã tuyên truyền suốt thời điểm diễn ra phiên tòa, Đoan Trang và Will Nguyễn đang tập trung vào việc nhào nặn cốt truyện, định hình suy nghĩ của công chúng về vụ Đồng Tâm theo hướng có lợi cho họ.
Cụ thể, về mặt cốt truyện, họ tuyên truyền rằng Bộ Công an đã chủ động tấn công thẳng vào thôn Hoành theo kế hoạch tác chiến được lập và diễn tập từ trước (chứ không có chuyện nhóm bị cáo tấn công trước, sau đó công an mới phản ứng lại, truy bắt và tiêu diệt tội phạm quả tang). Chẳng hạn, Đoan Trang nói: “Theo như trong báo cáo, chúng tôi cũng đã vạch ra một điểm cho thấy rằng là không hề có chuyện công an đi đến bảo vệ việc xây dựng hàng rào Miếu Môn, rồi sau đó bị người dân từ trong làng kéo ra tấn công và công an tấn công ngược lại, truy sát và tiêu diệt các đối tượng, đồng thời vô hiệu hóa cuộc tấn công của bà con trong làng Đồng Tâm. Không có chuyện đó, mà tất cả là kế hoạch gọi là tác chiến đã được công an chuẩn bị từ lâu và họ chuẩn bị trên cả phương diện quân sự, vũ khí, số lượng quân lẫn phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ ít nhất đã có một cuộc diễn tập từ trước.”
Tuy nhiên, thông điệp tuyên truyền này có rất ít sức nặng, nếu ta nhớ rằng video tự quay của “tổ Đồng Thuận” cho thấy họ đã lên sân thượng đánh kẻng, nổ pháo để chống trả từ khi công an còn đang đứng ở cổng làng.
Còn video của phía công an thì cho thấy cảnh công an đứng ngoài đường bắc loa kêu gọi đầu hàng, trong khi “tổ Đồng Thuận” đứng trên nóc nhà và dùng pháo hoa tấn công họ.
Trước những tình huống nguy hiểm như vụ Đồng Tâm, công an luôn phải chuẩn bị nhiều phương án tác chiến khác nhau để xử lý nguy cơ. Nếu “tổ Đồng Thuận” không có những hành vi bạo động như trên, công an đã không tìm được cớ để sử dụng phương án tệ nhất.
Về mặt định nghĩa, họ gọi vụ Đồng Tâm là “một vụ án giết người, cướp của và diệt khẩu”; trong đó công an là hung thủ còn “tổ Đồng Thuận” là nạn nhân. Chẳng hạn, Đoan Trang nói: “Vụ án này nghiêm trọng vì vụ án có đầy đủ dấu hiệu của việc giết người, cướp của. Ở đây, tài sản của gia đình cụ Lê Đình Kình bị cướp, đặc biệt trong đó có giấy tờ liên quan quá trình tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm với nhà nước. Toàn bộ bằng chứng giấy tờ đó đều bị lấy sạch. Thậm chí, TV và tủ lạnh ở nhà cụ Kình cũng bị công an khuân đi.”
Thông điệp tuyên truyền này cũng có rất ít sức nặng, nếu ta nhớ rằng một lượng không nhỏ bị cáo trong vụ Đồng Tâm đã được hưởng mức án thấp, và thả về ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Chi tiết này phủ nhận việc công an có động cơ “diệt khẩu” theo cách nói của Đoan Trang. Thêm nữa, dù giấy tờ liên quan đến quá trình tranh chấp đất đai đã bị công an thu giữ bản gốc, chắc chắn bản sao vẫn còn nằm trong tay các luật sư từng được thuê bởi “tổ Đồng Thuận”, cũng như những nhóm chống Nhà nước từng hỗ trợ họ.
Như vậy, thay vì dừng ở việc phản biện dựa trên những bằng chứng xác thực từ nhiều phía, “Báo cáo Đồng Tâm” đã bóp méo bản chất của vụ việc bằng cách gạt bỏ hết những bằng chứng bất lợi cho “tổ Đồng Thuận” và có lợi cho công an. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến phương Tây phản ứng một cách khá lạnh nhạt sau phiên xử vụ Đồng Tâm, bất kể những nỗ lực vận động của Đoan Trang và Will Nguyễn.
Nhận xét
Đăng nhận xét