Những năm vừa qua, từ khi Hiệp định biên giới Việt Nam – Trung Quốc được ký kết năm 1991, đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này đăng trên các trang mạng xã hội. Một số phần tử xấu, các thế lực thù địch đã nói xấu, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam và đặc biệt là cá nhân Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là bán đất cho Trung Quốc. Khi Cố Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Cố TBT Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam từ trần, chúng càng ra sức xuyên tạc vu cáo nhằm bôi nhọ uy tín và danh dự của đồng chí Lê Khả Phiêu. Với những gì đã biết, tìm hiểu, tôi viết bài về chính kiến của mình.
Năm 1988 tôi học ở Học Viện Lục quân, về thực tập làm Trung đoàn trưởng - Trung đoàn Công binh 89 của Quân đoàn 29 thời gian 3 tháng, đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Trong 10 năm công tác ở Bộ Tư lệnh Công binh từ 1997 đến 2007, tham gia chỉ đạo rà phá bom mìn bảo đảm cho phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tôi đã đi suốt chiều dài hơn 1.400 km biên giới đất liền Việt - Trung.
Trong 7 năm làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới 2007 - 2014, tôi đi dọc biên giới Việt - Trung biết bao nhiêu lần, qua thực tế tìm hiểu, nắm được một số vẫn đề rất cơ bản về biên giới Việt - Trung và hiệp định biên giới Việt - Trung.
Cuối năm 2006, khi đến thăm Bác Lê Khả Phiêu, tặng Bác quyển sách Sức khỏe và Cuộc sống, tôi hỏi Bác nên hiểu rõ hơn về hiệp định biên giới Việt - Trung và sự chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
1. Điểm lại mấy nét về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong quá trình lịch sử
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, Việt Nam liên tục bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, xâm lược. Sau mỗi cuộc kháng chiến đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, các triều đình phong kiến Việt Nam đều phải sang cống nạp họ, thậm chí còn đúc cả tượng bằng vàng sang cống nạp, giữ quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc.
Chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, hai nước mới có quan hệ hữu nghị anh em. Thế rồi, mâu thuẫn, bất đồng diễn ra, ngày càng căng thẳng và đỉnh điểm là cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây ra đã huy động 60 vạn quân xâm lược Việt Nam vào ngày 17/2/1979. Cuộc chiến tranh diễn ra trong 1 tháng, đến 18/3 Trung Quốc rút quân, nhưng họ vẫn xâm phạm biên giới, lấn chiếm, chiếm giữ 34 điểm cao của Việt Nam và xung đột vũ trang vẫn diễn ra, kéo dài suốt 10 năm từ năm 1979 đến tháng 10 năm 1989. Năm 1990 cuộc chiến mới thực sự kết thúc, rồi bình thường hoá quan hệ hai nước vào năm 1991.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân duyệt đội danh dự tại Lễ đón ở Đại Lễ đường nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, ngày 9/11/1993, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ 9-15/11/1993.
Để tiến tới bình thường hoá quan hệ, phía Việt Nam có vai trò rất quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh - Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã được Bộ chính trị phân công sang thăm Trung Quốc gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân để chuẩn bị cho đoàn đại biểu cấp cao nhất của Việt Nam sang thăm Trung Quốc, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1991. Hai bên đã xúc tiến các cuộc đàm phán song phương nhằm đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Ngày 7/11/1991, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã thỏa thuận với Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân: “Hai bên đồng ý thông qua thương lượng giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước”. Trong cùng ngày, hai bên đã ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước.
Sau đó hai bên tiến hành đàm phán về biên giới đất liền Việt Nam - Trung quốc cũng kéo đài 10 năm, từ 1989 đến 1999.
Việc ký Hiệp định Biên giới Việt - Trung đã được nói và phân tích rất nhiều; các chuyên gia và những người trực tiếp tham gia sự kiện này đều thống nhất rằng: đây là những bước đi thận trọng, được cân nhắc rất kỹ lưỡng đảm bảo an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi hợp pháp của đất nước chúng ta. Tuy vậy, gần đây vẫn có những ý kiến cho rằng chúng ta nhượng bộ, mất đất, điều đó là không đúng. Tôi nhận thấy: về mặt chủ trương là rất đúng đắn, đàm phán chặt chẽ. Vấn đề kỹ thuật có thể có chi tiết hạn chế nhỏ song không có chuyện ta nhượng đất, bán đất.
2. Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình:
Lần đầu tiên Đảng ta ra Nghị quyết chuyên đề về việc này. “Chiến lược An ninh quốc gia” cần có một bộ phận chuyên trách nên bước đầu tập hợp một số cán bộ của các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao thành bộ phận A47 để nghiên cứu về cơ cấu tổ chức.
Bộ phận đó trực tiếp phụ trách là đồng chí Nguyễn Đình Hương và chỉ đạo là Cố Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Những năm đó tình hình kinh tế trong nước vô cùng khó khăn, do sự bao vây cấm vận của Mỹ và Phương Tây. An ninh chính trị nội bộ không được thuận lợi. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải ký được hiệp định Biên giới Việt - Trung.
Về Hiệp định Biên giới Việt - Trung. Qua các chuyến công tác với Vụ Việt - Trung, Ban Biên giới Chính phủ khi khảo sát xây dựng kế hoạch rà phá bom mìn vật nổ bảo đảm cho phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tôi đã tiếp cận hiểu thêm các vấn đề.
Để có được cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, qua nhiều lần trao đổi, cuối cùng Hai Bên đã thống nhất là dùng Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, hiện đại nhất. Đây có thể dùng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán, tiến tới hoạch định, đàm phán và xác lập đường biên giới chính thức, cụ thể, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đã chấp nhận được nguyên tắc đầu tiên này, hai bên mới tiến hành ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đàm phán thì cả hai bên phải tuân thủ.
Thực tế Công ước Pháp - Thanh và những mốc biên giới đã cắm từ lâu, theo lịch sử đã có sự xê dịch và có nhiều mốc nay không còn. Trải qua năm tháng có lúc hai bên bà con hữu hảo còn làm nương lấn sang nhau. Các cột mốc làm bằng các phiến đá phía Bắc chữ Hán, phía Nam chữ Pháp ghi là Việt Nam Anamit cắm trực tiếp xuống đất, không xây chân đế. Trong những năm bất đồng, chiến tranh, dân TQ thường lợi dụng để di dời cột mốc sâu vào đất Việt Nam.
Hai bên sau khi đối chiều bản đồ, nếu những cột mốc, những vùng đất đã thống nhất thì mọi chuyện dễ dàng. Còn lại những vùng đất hai bên không thống nhất được mới đi đến đàm phán. Trong đàm phán cái nào dễ thì đàm phán trước, khó thì đàm phán sau và những nơi “nhạy cảm” thì để sau cùng. Từ năm 1993 đến 1999, về đàm phán trên bộ đã có 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 3 vòng Nhóm soạn thảo Hiệp ước.
Đại diện Việt - Trung trao cho nhau bản đồ đường biên giới chủ trương tại Vòng đàm phán thứ 2 vào tháng 7/1994.
Cuối cùng năm 1999 hiệp ước biên giới Việt - Trung được ký kết. Chính phủ Việt Nam luôn nhắc tới tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai Đảng anh em mà giải quyết vấn đề biên giới và lãnh thổ bằng thương lượng ngoại giao, từng bước giải quyết trên tinh thần hữu nghị, anh em. Ngày 19 tháng 6 năm 2000, Quốc hội Việt Nam đã công bố nghị quyết về “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc” được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa X .
3. Phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Sau khi hiệp định biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết, hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc ngoài thực địa theo nguyên tắc phân giới trước cắm mốc sau. Một quá trình vô cùng khó khăn phức tạp, kéo dài trong suốt gần 10 năm. Ngày 31 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, hai Trưởng Đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã long trọng ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đúng thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước
Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt - Trung, chứng tỏ các vấn đề do lịch sử để lại sẽ được giải quyết hòa bình, công bằng, có tính đến lợi ích của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh được thể hiện rõ ràng trong Hiệp ước biên giới đất liền, bản đồ, các văn bản kèm theo và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa, có giá trị trường tồn cho hai quốc gia, dân tộc, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước.
Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km từ Tây sang Đông nối tiếp với đường phân định Vịnh Bắc Bộ (trong đó có 344 km đường biên giới đi theo 21 sông, suối chính); cắm được gần 2.000 cột mốc trong đó có hơn 1.500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ, các cột mốc được xây dựng rất vững chắc, ổn định lâu dài.
Hệ thống mốc giới này được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học, chi tiết, được xác định theo phương pháp hiện đại, bảo đảm tính trung thực và bền vững lâu dài. Mỗi cột mốc đều có toạ độ vệ tinh hai bên ký vào và gửi lên Liên hợp quốc quản lý, điều này rất quan trọng về lâu dài. Các chốt quân sự trên đường biên giới đều đã được dỡ bỏ.
Kết quả mà hai bên đạt được trong quá trình phân giới cắm mốc là công bằng, hợp lý, phù hợp với Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999, luật pháp và thực tiễn quốc tế, đáp ứng được các quan tâm của hai bên và cả hai bên chấp nhận được; đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và quan hệ truyền thống hữu nghị Việt - Trung, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2008 có ý nghĩa to lớn:
Thứ nhất, việc hoàn thành phân giới cắm mốc góp phần xây dựng một đường biên giới hoàn chỉnh, chính quy, hiện đại và bền vững, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới sau này. Một đường biên giới ổn định lâu dài có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời góp phần củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, với kết quả này chúng ta đã giải quyết được hai vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc (xác định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ từ các Hiệp ước, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ năm 2000), tạo điều kiện tập trung giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, tăng cường sự tin cậy giữa hai bên.
Thứ ba, tiếp theo việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, việc hoàn thành phân giới cắm mốc là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ XXI là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, để nâng lên tầm cao hơn, lành mạnh và bền vững hơn, tạo cơ sở cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài.
Thứ tư, sự kiện này mở ra những cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương có chung biên giới mở rộng giao lưu hợp tác, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại. Trong những năm qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đồng thời trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Ngay sau khi phân giới cắm mốc hoàn thành, ngày 2 tháng 1 năm 2009 tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Ninh đã được đưa vào hoạt động.
Thành quả trên có được trước hết là nhờ có sự quan tâm sát sao của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của hai nước, quyết tâm hoàn thành phân giới cắm mốc trong năm 2008; những nỗ lực không mệt mỏi của hai Đoàn đàm phán chính phủ, của các lực lượng phân giới cắm mốc thuộc các Bộ, ngành: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính… và các địa phương có chung đường biên giới, cũng như của đông đảo đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để bảo đảm tiến độ phân giới cắm mốc. Có được thành quả trên cũng là nhờ sự kế thừa công lao của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước; sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ cho công tác này trong suốt quá trình phân giới cắm mốc. Đây cũng là thành quả của tinh thần độc lập tự chủ, nắm vững và vận dụng linh hoạt luật pháp quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm giải quyết hoà bình các tranh chấp về biên giới lãnh thổ của các nước khác.
Tiếp theo Hai Bên cũng sẽ xem xét hợp tác khai thác tiềm năng du lịch Thác Bản Giốc và ký Thoả thuận cấp Chính phủ về vấn đề này; thảo luận và ký một thoả thuận cấp Chính phủ về việc thiết lập khu vực tự do đi lại cho tàu thuyền của cư dân biên giới tại khu vực cửa sông Bắc Luân.
Năm 2009 Hai Bên đã tổ chức cuộc mít tinh tại cửa khẩu Thanh Thuỷ - Vị Xuyên - Hà Giang và ra tuyên bố chung: Hai bên đều thắng.
VIỆT NAM THẮNG
Nhìn lại suốt hơn 4000 năm lịch sử, Việt Nam luôn bị Trung Quốc đô hộ và xâm lược, chưa bao giờ Việt Nam ký kết một hiệp ước về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc. Chỉ có Công ước Pháp - Thanh về biên giới An Nam - Trung Hoa do người Pháp danh nghĩa bảo hộ ký với triều đình Nhà Thanh. Lần đầu tiên Việt Nam ký với Trung Quốc một hiệp ước biên giới hai bên ngang bằng nhau. Đây là một thắng lợi mang tính lịch sử, có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Ngày 15 tháng 8 năm 2020
Viết nhân dịp lễ tang, lễ truy điệu Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Cố Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Nguyên Tư lệnh Công binh, Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới.
Nguồn: Cánh Cò
Nhận xét
Đăng nhận xét