Nhân việc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 12 (khóa XII) của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bế mạc hôm 14/05/2020; dư luận phi chính thống đã tăng cường đưa tin, đồn đại, tuyên truyền về công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc XIII.
Trong luồng dư luận này, một số cựu cán bộ, công chức đã tiếp tục kêu gọi dân chủ hóa công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam trên dư luận phi chính thống. Chẳng hạn, khi trong cuộc hội luận của BBC hôm 14/05, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV Hà Nội, đã nói rằng thay vì để vài trăm thành viên Ban Chấp hành Trung ương khóa này quy hoạch nhân sự của Trung ương và Bộ Chính trị khóa tiếp theo, nên để toàn thể Đại hội Đại biểu Toàn quốc bầu các vị trí này sau khi nghe các ứng cử viên thuyết trình về các dự án hành động của họ.
Ngược lại, trong cùng cuộc hội luận, ông Nguyễn Quang A nói rằng những điều ông Lê Văn Sinh đề nghị là không khả thi. Lý do là nó chỉ trở thành hiện thực khi “có một người lãnh đạo có đầu óc đổi mới, và áp lực từ các đảng viên rất là mạnh”, mà “cả hai điều kiện này đều chưa có”.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ nhất, trái với "ấn tượng" của ông Nguyễn Quang A, việc để Đại hội Đại biểu bầu trực tiếp nhân sự cấp cao không phải là một ý kiến quá mới mẻ. Năm 2011, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải đã trả lời phỏng vấn rằng nếu đa số đại biểu của Đại hội XI thấy có thể bầu trực tiếp Tổng Bí thư, thì Đại hội có thể làm điều đó. Vấn đề này tiếp tục được nhắc lại bởi ông Vũ Ngọc Hoàng vào năm 2016, trước Đại hội XII. Trong thực tiễn, Đại hội của nhiều cấp ủy trên cả nước đã bầu trực tiếp Bí thư. Vì vậy, việc tăng tính dân chủ trong việc bầu cử các cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều không mới, đang được triển khai thí điểm và có thể được thực hiện nếu phát huy hiệu quả trong điều kiện thực tế.
Thứ hai, bất kể tính khả thi của việc gia tăng dân chủ như vừa nêu, việc Đại hội Đại biểu Toàn quốc bầu trực tiếp Ban Chấp hành Trung ương, thay vì bầu dựa trên kết quả quy hoạch của Trung ương khóa trước, vẫn có một số điểm bất lợi. Nó sẽ giảm tính kế thừa của nhân sự lãnh đạo giữa 2 nhiệm kỳ, và tăng độ rủi ro như khuynh hướng bị nhóm dân túy, cơ hội thao túng. Nó có thể dẫn đến sự hình thành của các “đảng trong đảng”, các cuộc bầu cử thiên về tranh giành truyền thông hơn đánh giá thực chất, hoặc các lãnh đạo đặt chuyện thắng thua lên trên lợi ích của tập thể đảng và đất nước (như trường hợp Donald Trump hay Đinh La Thăng). Vì vậy, đề xuất của ông Lê Văn Sinh có lẽ không phải là phương án tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình phức tạp của khu vực và thế giới đang buộc Việt Nam phải đề cao nhu cầu an ninh, ổn định, hòa bình.
Nhận xét
Đăng nhận xét