Trong vòng 25 năm, có 3 luật định quan trọng nhằm thay đổi ý thức, thói quen của người dân. Đó là Quy định về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia mới có hiệu lực từ 1.1.2020. Đây là 3 luật định được coi là những “cuộc cách mạng” nhân văn, cứu người.
Tròn 25 năm trước, ngày 1.1.1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Đây là Chỉ thị mang tính lịch sử bởi thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ hàng ngàn năm đối với người Việt Nam.
Trước khi có Chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo thì mỗi khi Tết đến, xuân về cùng với tiếng nổ tưởng như vui tai lại là mối nguy hiểm thường trực: ám ảnh về tai nạn liên quan đến pháo. Hàng nghìn nạn nhân mỗi năm chính là lý do Chính phủ buộc phải ra một lệnh cấm mà giai đoạn đầu không phải người dân nào cũng ủng hộ. Nhưng tính mạng con người cũng như những hệ lụy về an ninh trật tự xã hội do pháo gây ra trở thành một yêu cầu mà ý thức, thói quen tồn tại lâu đời phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại.
25 năm trôi qua, quyết định được đánh giá là quyết liệt và dũng cảm ấy đã được người dân chấp nhận và thực hiện. Tuy rằng cho đến thời điểm này, khi Tết đến, vẫn còn đâu đó tiếng pháo nổ, vẫn còn những vụ buôn lậu pháo bị triệt phá thì phải khẳng định, quyết định cấm pháo đã cứu hàng trăm mạng người.
Năm 2007, một quy định mới ra đời, lúc đầu cũng gây hụt hẫng. Đó là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy khi tham gia giao thông. Trước đó, có đến 95% người dân ra đường không đội mũ bảo hiểm và không có một chế tài nào được đưa ra. Nghị định quy định về đội mũ bảo hiểm cũng được coi là một quy định có tính chất lịch sử bởi con số 1.000 vụ tai nạn mỗi năm, hơn 10.000 người chết và bị thương mà phần lớn trong số đó không đội mũ bảo hiểm chính là những con số biết nói mà những người đứng đầu Chính phủ buộc phải hành động. Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có thể giảm tỉ lệ tử vong tới 42% và giảm tới 69% những ca chấn thương sọ não.
Cũng không dễ để thay đổi thói quen này, nhất là khi nhiều người dân cho rằng, việc đội mũ là phiền hà và cũng phải mất một khoản tiền để mua mũ bảo hiểm. Thực tế trong nhiều năm kể từ khi thực hiện quy định, xuất hiện tình trạng đối phó với những chiếc mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không có tác dụng bảo vệ. Ngày 1.1.2014, Chính phủ tiếp tục ra Nghị định 171 với yêu cầu bắt buộc người đi trên môtô, xe máy đội mũ bảo hiểm không có chứng nhận và dán nhãn theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ bị xử phạt như không đội mũ.
Tổng kết 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc, báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ phòng, chống thương vong Châu Á cho thấy 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng đội mũ bảo hiểm. Đó là con số rất ấn tượng.
Và 25 năm sau khi quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo đi vào cuộc sống thì Luật phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực.
Với nhiều người Việt Nam, uống rượu là một thói quen, thậm chí còn được coi là một nét văn hóa. Một con số đáng giật mình đưa ra là hiện nay, mỗi năm có 4,5 tỉ lít bia, rượu trôi qua cổ họng người Việt đứng Top đầu Đông Nam Á.
Tác hại của rượu bia không chỉ dừng lại ở báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông về số vụ tai nạn, thương tích và tử vong có nguyên nhân từ thú vui uống rượu, chè chén mà còn là số vụ đánh nhau mỗi dịp Tết. Tết Kỷ Hợi 2019, chỉ trong 9 ngày Tết các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận gần 5.500 trường hợp phải cấp cứu do đánh nhau, 45.622 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông. Trong đó phần lớn là do sử dụng rượu bia ngày Tết. Ngăn chặn tác hại của rượu bia sẽ tác động mạnh tới ý thức, thói quen của cả triệu người Việt, thậm chí ngành công nghiệp bia-rượu ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng phần nào. Nhưng rõ ràng đây là luật cần thiết, nhân văn bởi lẽ hạn chế bia-rượu sẽ giảm được số người say xỉn đánh lộn, giảm được các vụ tai nạn giao thông và khoản tiền hàng chục nghìn tỉ để chữa trị cho các bệnh nhân - nạn nhân của bia rượu sẽ không mất đi một cách vô lý.
Để luật đi vào cuộc sống, nhất là những luật định đòi hỏi phải thay đổi ý thức, thói quen là một điều rất khó và không thể chỉ trong một vài ngày, một vài tháng là người dân tự giác thực hiện.
Đơn cử như câu chuyện cấm pháo, 25 năm trôi qua nhưng cho đến thời điểm này, mỗi khi Tết đến, Xuân về là thị trường pháo lậu lại nhộn nhịp. Pháo lậu vẫn tìm cách lọt qua biên giới để vào Việt Nam. Ngay hôm 3.1, tại Lào Cai, tổ công tác Biên phòng Phố Tèo, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, đã phát hiện và bắt giữ hơn 600kg pháo hoa nổ được các đối tượng vận chuyển từ Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam. Đó là một ví dụ điển hình, hàng chục vụ buôn bán pháo nổ với số lượng lớn bị bắt giữ từ tháng 11 tới nay cho thấy không được chủ quan, buông lỏng. Năm ngoái, số ca nhập viện do pháo lên đến hơn 300 ca được các bệnh viện ghi nhận.
Cũng như câu chuyện đội mũ bảo hiểm. Luật đã ban hành, quy định xử phạt rõ ràng nhưng tỉ lệ không đội mũ bảo hiểm khi ra đường vẫn khoảng 10%, riêng trẻ em tỉ lệ này lên đến trên 40%.
Với quy định về xử phạt người tham gia giao thông không sử dụng rượu bia còn gian nan hơn nhiều. Đã xuất hiện những chiêu trò ứng phó với luật, với Cảnh sát giao thông để tìm cách “lách” luật. Mức phạt cho các hành vi này tăng rất cao, đối với người đi xe máy sử dụng rượu - bia có thể bị phạt tới 8 triệu đồng, người điều khiển ôtô có thể bị phạt tới 40 triệu đồng. Nhưng qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn rất nhiều người bất chấp, hoặc tìm cách qua mặt lực lượng chức năng để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, coi thường tính mạng của mình và những người khác.
3 “cuộc cách mạng” rất cần sự ủng hộ của mỗi người dân bởi đó là những luật định nhân văn, cứu người.
Nhận xét
Đăng nhận xét