Ủy ban bảo vệ các nhà báo |
1- Từ câu chuyện về kiểm duyệt báo chí.
Vừa qua, một tổ chức có tên gọi là “Ủy ban bảo vệ các nhà báo” (CPJ) công bố một bản phúc trình với nhận định rằng 10 quốc gia gồm Eritrea, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Turmenistan, Arabia Saudi, Trung Quốc, Iran, Guinea Xích Đạo, Belarus, Cuba và Việt Nam là những nước kiểm soát báo chí khắt khe nhất trên thế giới. Vậy CPJ là cái quái gì mà to mồm lớn tiếng như vậy ?
Tên đầy đủ của CPJ là “Committee to Protect Journalists” có nghĩa là “Ủy ban bảo vệ nhà báo”. Tổ chức này được thành lập năm 1981, có trụ sở tại số 330, phố 7, quận 11, thành phố New York, bang New York, Hoa Kỳ. Về danh nghĩa, đó là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị nhằm bảo vệ các quyền lợi cho các nhà báo.
Tuy nhiên, ngay trong tôn chỉ của nó đã có màu sắc chính trị khi điều lệ của CPJ viết rằng nó có trách nhiệm “bảo vệ các nhà báo trên khắp thế giới bị các chính phủ độc đoán truy hại, đe dọa hay quấy nhiễu khi thi hành nhiệm vụ của mình.” Xin lưu ý cụm từ “chính phủ độc đoán”. Vậy tiêu chí nào để phân biệt đâu là một chính phủ độc đoán, đâu là một chính phủ không độc đoán ? Điều này hết sức mù mờ và rõ ràng là che giấu một mục tiêu chính trị cốt lõi nào đó.
Trên thế giới này, người ta không lạ gì hàng loạt tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận kiểu NGOs nhưng thực chất lại là “cánh tay nối dài” của chính quyền Mỹ, của các thế lực chính trị ở Mỹ, của các cơ quan tình báo của chính phủ Mỹ như CIA, NSA với mục đích can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, vi phạm chủ quyền, quyền tự quyết của các quốc gia khác dưới chiêu bài “thúc đẩy và truyền bá dân chủ”.
Đây không phải là lần đầu tiên CPJ có những hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Năm 2014, CPJ đã tung tin, bịa đặt rằng những phần tử phản động chống Nhà nước Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam như Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, Nguyễn Hữu Vinh (nickname Ba Sàm).v.v... là những “nhà báo” trong khi những người này chỉ lập các trang blog hay worldpress để viết chuyện riêng. Đây rõ ràng là một kiểu “ăn đứng dựng ngược”, đánh lận con đen của CPJ nhằm hỗ trợ cho các phần tử chống Nhà nước Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam chứ không phải là việc bênh vực các nhà báo chân chính.
Năm 2015, CPJ đã can thiệp vào việc chính quyền Việt Nam xử lý ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo “Người cao tuổi” do có hành vi lợi dụng báo chí để vu cáo và đe dọa người khác, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đơn cử những vụ việc trên đây để thấy rằng CPJ chỉ mượn danh là tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ nhà báo nhưng thực sự là tổ chức có mục tiêu chính trị, đội lốt tổ chức phi chính phủ để phục vụ cho các mục đích can thiệp vào nội bộ nước khác của chính quyền Mỹ. Trên thế giới chính quyền Nga và các nước khác ở Châu Âu, Châu Á và nhiều nước khác, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ đều không lạ gi cái “mặt nạ” mà CPJ đang đeo để che giấu bộ mặt thật của nó.
Việc CPJ đưa ra bản danh sách các nước kiểm soát báo chí khắt khe nhất cũng mang đầy tính chủ quan và chụp mũ. Bởi lẽ chính nước Mỹ chứ không phải ở đâu khác mới là nước có sự kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất. Ngay cả các tài liệu của chính quyền Mỹ như tài liệu mật của Nhà Trắng, tài liệu mật của Ủy ban Quân sự thuộc Thượng viện và Hạ viện Mỹ. tài liệu mật của Lầu Năm Góc, tài liệu mật của CIA, tài liệu mật của NSA… khi được giải mật và được các báo chí đăng tải vẫn có nhiều đoạn bị bôi đen, bị đánh dấu là không công bố nhằm bảo vệ… “quyền lợi của nước Mỹ”. Sao CPJ không yêu cầu chính phủ Mỹ phải công khai đầy đủ toàn bộ nội dung cả những tài liệu đó ?
Các thông tin về việc lính Mỹ bị nhiễm phóng xạ bởi đạn chứa uranium nghèo mà quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Iraq lần thứ nhất (1991-1992) cũng bị chính quyền Mỹ cấm báo chí tiếp xúc với lính Mỹ bị phơi nhiễm, cấm đăng tải thông tin. Vụ việc chỉ bị lộ ra sau đó hàng chục năm. Vậy tại sao CPJ không yêu cầu chính phủ Mỹ phải công khai sự thật khi họ gây hại cho chính công dân Mỹ ?
Rồi việc ngoại trưởng Mỹ trình ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc một ống bột giặt và bảo rằng đó là chất có chứa vi trùng bệnh than để lấy cớ phát động Chiến tranh Iraq lần thứ hai (2003 đến nay) thì báo chí Mỹ lập tức hùa vào ủng hộ. Tờ báo nào nói ngược lại thì bị đình bản, bị tịch thu. Và hơn 10 năm sau, khi chính quyền Mỹ và Anh đã thừa nhận không có vũ khí hủy diệt ở Iraq thì báo chí Mỹ lại lờ đi. Vậy tại sao CPJ không đặt vấn đề công khai thừa nhận sai lầm đó của chính quyền Mỹ ?
Cách đây gần 2 năm, khi đương kim Tổng thống Mỹ tuyên bố không hoan nghênh phóng viên của hãng truyền hình Mỹ CNN và loại các phóng viên của CNN khỏi các cuộc họp báo ở Nhà Trắng thì người ta tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy CPJ ở đâu để bênh vực cho các nhà báo của CNN.
Qua đây có thể thấy quan điểm của CPJ, trong đó có quan điểm liệt 10 quốc gia vào danh sách các nước có chế độ kiểm soát báo chí khắt khe nhất không phải là quan điểm độc lập như tổ chức này vẫn rêu rao. Đó thực sự là quan điểm của chính giới Mỹ, hay nói cụ thể hơn là quan điểm của những phần tử trong chính giới Mỹ có tư tưởng thù địch với các nước được nêu ra trong danh sách, trong đó có quan điểm thù địch với Việt Nam, bênh vực những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối Nhà nước Việt Nam.
Việc CPJ đưa ra danh sách 10 quốc gia có chế độ kiểm soát báo chí khắt khe nhất là nhằm mục đích chính trị, vu cáo các nước khác chứ không hề là việc làm vô tư được đánh bóng bằng cái mác phi lợi nhuận và độc lập như cái nhãn hiệu của CPJ. Tốt nhất là CPJ nên chú tâm bảo vệ các nhà báo trong nước Mỹ đang bị chính quyền Mỹ hạn chế quyền tự do báo chí thay vì can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
2- Đến việc xử lý bằng pháp luật đối với những kẻ mượn danh nhà báo để vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền nước sở tại.
Trăng trợn hơn, CPJ còn cho rằng 4 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Arabia Saudi và Iran đã bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo cùng gia đình họ; cơ quan chức năng cũng có những biện pháp giám sát mạng, kiểm duyệt Internet, mạng xã hội. Về sự vu cáo này, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên”. Nhiều người trong giới phân tích bình luận chính trị cho rằng phát ngôn cra bà Lê Ti Thu Hằng như vậy còn là quá nhẹ nhàng. Dĩ nhiên là các nhà ngoại giao đều không muốn dùng những ngôn từ mạnh mẽ hơn một khi xét thấy chưa cần thiết.
Còn nói trắng ra thì các cáo buộc của CPJ chính là tiếng nói phụ họa với luận điệu sai trái của một số nhóm người Việt chống chính quyền Việt Nam đã bỏ Tổ Quốc chạy sang Mỹ và phương Tây để định cư. Đối với Việt Nam, sự vu khống hèn hạ và bỉ ổi đó không có mục đích nào khác hơn là sự yểm trợ về mặt tinh thần và gây áp lực chính trị để bênh vực những phần tử phản động chống chính quyền Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây phương hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cả Việt Nam. Hơn nữa, đó còn là một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Trên thế giới hiện nay không hề có một khái niệm công dân toàn cầu. Nghề nghiệp thì có thể là khái niệm xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Nhưng một con người cụ thể thì luôn là công dân của một quốc gia, thành viên của một dân tộc nhất định. Các nhà báo cũng vậy. Trước hết, họ phải là công dân của một quốc gia, có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quốc gia của mình, dân tộc của mình trước khi là “con người của công chúng toàn cầu”. Và vì thế, những nhà báo ấy trước hết phải tuân thủ pháp luật của quốc gia mình, tuân theo phong tục, tập quán của quốc gia mình, có những ứng xử phù hợp với chính dân tộc của mình. Đó là vấn đề đạo đức, chính trị và luật pháp cốt lõi đối với bất cứ một nhà báo chân chính nào.
Chính phủ Việt Nam không bỏ tù các nhà báo mà bỏ tù những kẻ vi phạm luật pháp Việt Nam, bỏ tù những kẻ đã gây phương hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của Việt nam, gây phương hại cho nền độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bất kể họ từng là nhà báo, từng là chính khách (thậm chí đến cả Ủy viên Bộ Chính trị), từng là doanh nhân, từng là nhà giáo, từng là kỹ sư hay là một người không nghề nghiệp .v.v… Chính quyền Việt Nam chỉ bỏ tù tội phạm mà thôi. Và trước khi bị xét xử, những kẻ phạm tội này đã bị tước các chức danh, danh hiệu .v.v… Đối với những kẻ phạm tội từng là nhà báo cũng vậy thôi. Họ bị tước danh tính nhà báo trước khi bị xét xử và tuyên án. Vì vậy nói Việt Nam bỏ tù nhà báo không những là một sự vu cáo trắng trợn, bịa đặt trắng trợn mà còn là trò đổi trắng thay đen nhằm xuyên tạc chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam, yểm trợ cho các thế lực chống lại nhà nước Việt Nam; đồng thời cũng là một sự ngu dốt về pháp lý.
Tất nhiên, bản báo cáo nói trên của CPJ thu được sự tán thưởng của một số phần tử người Việt chống Việt Nam đang lưu vong ở Mỹ, ở một số nước khác và một số kẻ phản loạn trong nước cũng như được một số hãng truyền thông chống Việt Nam như BBC Việt ngữ, VOA Việt ngữ, RFA, RFI lan truyền. Nhưng những kẻ chống đối ấy chỉ là số nhỏ so với 100 triệu người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Còn tuyệt đại đa số người dân Việt Nam vẫn tin tưởng ở chính quyền của mình, một chính quyền của dân, do dân, vì dân chứ không vì một vài cá nhân có căn bệnh “thần kinh chính trị”.
Còn trong những năm qua, uy tín của Việt Nam đã ngày càng được cả thế giới khẳng định. Những nguyên thủ các nước từ lớn đến nhỏ trên thế giới, các chính khách từ khắp năm châu đến Việt Nam đều thừa nhận uy tín đó. Thế nên, báo cáo của CPJ là những tiếng nói lạc lõng, là những sự vu khống nhằm mục đích chính trị bẩn thỉu sẽ sớm chìm đi trong làn sóng thông tin trung thực, khách quan của dư luận nhân dân tiến bộ, yêu hòa bình và công lý trên toàn thế giới.
3- CPJ tiếp tục vu cáo xằng bậy về Luật An ninh mạng của Việt Nam.
Bản phúc trình của CPJ còn cho rằng Luật An Ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam kể từ đầu năm 2019 có những quy định tùy tiện, mơ hồ giới hạn quyền tự do biểu đạt của người dân, cho phép giới chức chính quyền kiểm duyệt chặt chẽ hơn các nội dung trên mạng. Đây là điều mà các thế lực phản động, thù địch với Việt Nam đã không ngớt rêu rao trong suốt hơn một năm qua.
Tại sao chúng phải liên tục rêu rao như vậy ? Đơn giản là vì Luật An ninh mạng của Việt Nam ra đời và việc thực thi luật đó đã chấm dứt việc các thế lực phản động, thù địch độc chiếm và lợi dụng không gian mạng trong một thời gian dài để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt… chống lại nền độc lập, tự chủ của Việt Nam, chống lại Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Trước hết, cần phải nói thẳng rằng các cáo buộc của CPJ đối với Luật An ninh mạng Việt Nam là một sự can thiệp trắng trợn và thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Mỗi quốc gia-dân tộc đều có nền tảng đạo đức chính trị pháp lý của riêng mình cũng như phong cách ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng là việc riêng của Việt Nam, là công việc nội bộ của Việt Nam, là sự thể hiện quyền độc lập, quyền tự chủ của Việt Nam. Bất cứ một thế lực bên ngoài nào cũng đều không có quyền can thiệp.
Như có lần đã phát biểu trên kênh truyền hình đối ngoại của Việt Nam (VTV4), tôi khẳng định lại một lần nữa rằng việc Quốc hội Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng là sự khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên không gian mạng bên cạnh các không gian khác thuộc chủ quyền của Việt Nam như vùng đất, vùng trời, vùng biển và hải đảo.
Sự cáo buộc của CPJ càng trở nên tùy tiện và trơ trẽn hơn khi cả thế giới này có tới 128 quốc gia đã ban hành các đạo luật về an ninh mạng, trong đó có Hoa Kỳ. Và trong 128 quốc gia ấy có đến 18 quốc gia có Luật An ninh mạng là một đạo luật độc lập trong hệ thống luật pháp của họ. Tuy chỉ là một tổ chức dân sự nhưng CPJ đã tùy tiện đưa ra những cáo buộc vu khống trịch thượng nói trên hệt như giọng điệu của một chính quyền. Vậy thực tế như thế nào ?
Thực tế là Luật An ninh mạng của Việt Nam có tới trên 70% các quy định có tính tương đồng với Luật An ninh mạng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga… những nước Châu Á (không kể Trung Quốc) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore và nhiều nước khác.
Còn những quy định riêng có trong Luật An ninh mạng Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm riêng có về hệ thống chính trị, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những quy định này hoàn toàn phù hợp với “Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966” được ban hành với sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là một trong các bên tham gia từ năm 1991.
Điều 1 của Công ước này quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”
Đây là điểm cụ thể hóa điều tương tự đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc 1946. Nó có nghĩa là “quyền quyết định về thể chế chính trị của một quốc gia hay quyền lựa chọn chế độ xã hội (xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, thể chế chính trị một đảng hay đa đảng, thể chế quân chủ lập hiến hay dân chủ đại nghị, thể chế tổng thống toàn quyền hay tổng thống nửa quyền .v.v…) cũng như các quyết định về pháp luật như thế nào là quyền đương nhiên của mỗi quốc gia-dân tộc và được coi như công việc nội bộ của quốc gia-dân tộc đó, các quốc gia-dân tộc khác không được quyền xâm phạm hoặc can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 19 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966, có nội dung quy định về “quyền giữ quan điểm” và “quyền tự do ngôn luận” đã ghi rất rõ và cụ thể như sau: “Việc thực hiện những quyền này được kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt của công dân”, và “ phải chịu một số hạn chế nhất định” trong trường hợp:
a- “Để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác.
b- Để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Đối chiếu với hai điều này cho thấy Luật An ninh mạng của Việt Nam có những quy định hạn chế phù hợp và cần thiết như:
a- “Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: (1) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;…” (Theo điều 5, Nghị định của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng)…”
b- “Nghiên cấm các hành vi lợi dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
c- “Nghiêm cấm việc lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;”
d- “Nghiêm cấm việc lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi" (Điều 8 Luật An ninh mạng)…”
Đó là những quy định hoàn toàn tương thích với “Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966”nói riêng và công pháp quốc tế về quyền con người nói chung nên không thể kết luận tùy tiện và hết sức xằng bậy như cáo buộc của CPJ được.
Không biết đến những quy định này của quốc tế cũng như không biết chính xác nội dung cụ thể của Luật An Ninh mạng Việt Nam mà lại nghe theo những kẻ thù địch với Việt Nam xúi bẩy để đưa ra những thông tin vu cáo, bịa đặt trong bản phúc trìhn thì mọi người đủ biết trình độ của đội ngũ lãnh đạo CPJ “tài giỏi” đến đâu, cho dù họ tự quảng cáo là những “nhà báo nổi tiếng” ở Mỹ và phương Tây mà tôi đã biết tên nhưng xin phép không nêu ra ở đây.
Một lần nữa, xin nhắc lại rằng mỗi quốc gia đều có quyền xây dựng hệ thống luật pháp của mình, ban hành luật pháp của riêng mình nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia-dân tộc mình, bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước mình, của dân tộc mình. Đó là quyền độc lập, tự chủ, là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Bất cứ thế lực bên ngoài nào dù là chính phủ hay phi chính phủ xâm phạm quyền đó, can thiệp vào việc thực hiện quyền đó đều là bất hợp pháp, đều là sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và đều đáng bị lên án mạnh mẽ.
Không giống như mặt trận đấu tranh quân sự, mặt trận đấu tranh về tư tưởng trên không gian Internet với vũ khí muôn thuở là truyền thông, là báo chí, là các phương tiện thông tin đại chúng… là cuộc chiến không có hồi kết. Một khi còn tồn tại những kẻ còn mang tư tưởng thù địch với Nhân dân Việt Nam, với nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn tồn tại những kẻ mong dựa vào ngoại bang để mở cuộc “chiến tranh xâm lược” Việt Nam trên không gian mạng thì Nhân dân Việt Nam, với sự ủng hộ của nhân loại yêu chuộng hòa bình và tiến bộ sẽ còn phải chiến đấu quyết liệt để quét sạch chúng đi.
Nhận xét
Đăng nhận xét