VAI LON COCACOLA


Cocacola - một doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm triệu USD tại thị trường Việt Nam nhưng có lịch sử nộp thuế không bằng một hàng trà đá ở Hoè Nhai, vừa có một quảng cáo mất dạy bị bộ VH xử phạt, dù các chuyên gia tin rằng, đây mới là chủ đích của doanh nghiệp này để viral thương hiệu - một hình thức quảng cáo rẻ tiền (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) nhưng vô cùng hiệu quả trong marketing.

Cocacola báo lỗ kể từ khi vào Việt Nam tới nay từ năm 1994, với số lỗ luỹ kế lên tới hàng nghìn tỉ, nhưng do tình yêu mãnh liệt với đất nước Việt Nam, công ty này liên tục mở rộng sản xuất để cung cấp nước đường hoá học cho bữa cơm người Việt. Người đồng hương Pepsi cũng ở tình trạng tương tự, mà nhà nước bó tay chưa có cách nào nã thuế. Đây là thực trạng của các công ty FDI, năm 2018, 36,7% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam báo lỗ và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước.

Đây là sự bất công đối với các doanh nghiệp FMCG Việt Nam khi các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư và trốn thuế bằng cách chuyển giá, tức là công ty tại Việt Nam chỉ là thằng đóng chai, còn nó mua nguyên liệu ở nước ngoài với giá cao vô lý để tạo lỗ kinh doanh giả tạo hòng trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là một hình thức không mới, nhưng rất khó để bắt bài. Ví như Cocacola là một công ty của Mỹ, nhưng thực sự nó không sản xuất chai Coca nào cả, ngay cả vốn đầu tư vào Việt Nam của Coca cũng không đến từ Mỹ, mà là từ một đất nước vừa lạ vừa quen - Singapore, vốn là một thiên đường thuế của quân tội phạm.

Không chỉ FMCG, các lĩnh vực kinh doanh khác thì tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - bộ trưởng bộ TTTT trong tháng trước tại diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có đề cập đến tình trạng “bảo hộ ngược” một cách gay gắt đối với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài, thậm chí sử dụng tới những từ ngữ mạnh mẽ như “chủ quyền quốc gia” để nói về tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng tâm lý me Tây, sính ngoại của người Việt để trục lợi, trốn thuế, vi phạm luật pháp trong khi các cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc quản lý.

Một điển hình của doanh nghiệp bất lương dạng này, thật trùng hợp, vẫn đến từ Singapore, đó chính là Grab - một ứng dụng nặng 16,95 Mb hiện đang gần như độc chiếm thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam và liên tiếp bị xử phạt vì hành vi lấn sân vào các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như tài chính, tín dụng. Lê Văn Luyện cũng không hung hăng bằng công ty này trong việc ăn cướp công khai tiền của quốc gia bất chấp luật pháp đến như thế.

Cuối năm 2018, Grab chiếm tới hơn 70% thị phần taxi ở Việt Nam, với số thuế GTGT nộp vào ngân sách chỉ là 3%. Để dễ so sánh, thì các doanh nghiệp taxi công nghệ nội địa chiếm một phần cực nhỏ chỉ vài % thị phần, nhưng hiện đóng góp 10% thuế GTGT, số còn lại thuộc về taxi truyền thống.

Đây là sự bất công, thiên vị đối cho một doanh nghiệp nước ngoài có truyền thống mất dạy, trốn thuế và vô pháp vô thiên như Grab, trong khi các doanh nghiệp trong nước è cổ ra để nộp ngân sách, gánh thuế phí hạ tầng cho chúng hưởng lợi. Grab là một điển hình về bảo hộ ngược, khi sự ưu tiên vô lý được dành cho bọn trốn thuế ngoại quốc thậm chí không thừa nhận lái xe của mình là người lao động.

Hôm nay là ngày ký kết hiệp định thương mại tự do lịch sử với EU, và sắp tới đây sẽ có một làn sóng dịch chuyển kinh doanh sang Việt Nam, nếu tình trạng này tiếp diễn, liệu sẽ có thêm bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu ngành nghề bị nước ngoài bóp chết một cách bất công bởi các doanh nghiệp mất dạy như Cocacola hay Grab??

Việt Nam cần các doanh nghiệp nội địa để phát triển, cả hệ thống chính trị vỗ vai động viên khối tư nhân trở thành đầu tầu kinh tế, nhưng cần nhớ không chỉ các tập đoàn lớn, mà tất cả các doanh nghiệp tư nhân, các startup hay thậm chí là đơn vị kinh doanh hộ gia đình - những đối tượng rất có thể một ngày sẽ trở thành những công ty tầm cỡ, cũng đều phải nhận được sự giúp đỡ của chính phủ, đó mới chính là phát triển bền vững cho đất nước.

Còn nếu sự bất công và bảo hộ ngược kiểu này vẫn tiếp diễn, thì cuối cùng, ngoài một nền kinh tế may thuê, dán giày thuê, vặn ốc vít thuê và giờ là lái xe thuê, thì di sản, nền tảng và vốn liếng để lại cho hậu thế, có lẽ cũng chả còn gì ngoài LON, mà thôi.

Nhận xét