NGHỆ THUẬT LÀ ÁNH TRĂNG LỪA DỐI


https://janeteukie.wordpress.com/2016/05/09/nghe-thuat-la-anh-trang-lua-doi/

Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối –“Nam Cao”Xin dẫn lời Nam Cao một tẹo dù chẳng biết những gì sắp nói ra đây có phải là những thứ mà ông định truyền tải khi viết câu văn ấy. Dù vậy, là độc giả của ông, thưởng thức những gì chảy xuống từ ngòi bút của ông, tôi thiết nghĩ mình cũng có cái quyền hiểu và cảm nó theo cách riêng.
Sinh nhật tròn 20 tuổi, tôi ngồi trong một cái pub mà tôi chưa từng vào, đợi chờ một chương trình bất chợt xảy đến với tôi vào cái ngày có lẽ là trọng đại mà lần đầu tiên trong đời, tôi thả tuột cho nó trôi tùy ý. Không một cuộc hẹn sẵn, không một kế hoạch. Từ tầng 2, trong ánh đèn mờ mờ, tôi có thể nhìn thấy sân khấu ở phía dưới. Tôi chọn một chiếc bàn tròn cao và trèo lên ghế, lặng lẽ quan sát xung quanh. Phía trước mặt tôi là một buổi trưng bày ảnh mini với những tấm ảnh được gắn theo đường chăng dây điện hình con thuyền. Là tôi của cách đây một năm, có lẽ sẽ cười, cười bởi vì nhìn thấy nụ cười của người khác, của người mà ở một khía cạnh nào đó, thiệt thòi hơn mình. Là tôi của ngày tròn 20 tuổi, tôi chỉ biết lặng lẽ tìm cuốn sổ tay, viết vài dòng cho cái ý tưởng nguệch ngoạc về sự hào nhoáng giả dối của nghệ thuật, của hoạt động tình nguyện. Ở đây có lẽ xin không bàn về sâu cái “hào nhoáng giả dối” của hoạt động tình nguyện. Bởi lẽ ai cũng có khả năng thấy, nếu họ chủ tâm dừng lại một giây và xem xét mình cách nghiêm túc. Đương nhiên, không phải mọi loại hoạt động tình nguyện nào cũng như vậy, nên ai NHỘT thì hẵng GÃI.
Trở lại với cái xa hoa giả tạo của nghệ thuật, nghe có vẻ cao xa, nhưng đơn giản, nó ở trong những bức ảnh mà thôi. Và chúng thì cũng là nghệ thuật. Mà phàm là nghệ thuật thì bao giờ cũng có tính người.

Nghệ thuật từ những điều bình dị trong cuộc sống


Suốt từ cái thời đồ đá, con người đã dần hình thành quan niệm về cái đẹp, về nghệ thuật. Nếu cái rìu đá xưa kia đẹp chỉ vì nó chẻ được củi thì sau đó có thể là vì những họa tiết khắc trên lưng nó. Rồi nhỡ chẳng may có hai cái cùng dùng được thì sao, con người lúc này sử dụng cảm tính nhiều hơn để lựa chọn cái mang tới cho họ sự thỏa mãn về mặt tinh thần. Do đâu mà họ thích cái này hơn cái khác. Người ta lý giải rằng đó là sự liên tưởng. Cũng như tôi dùng câu nói của Nam Cao vì nó gợi cho tôi liên tưởng tới một thứ giả dối trong nghệ thuật mà tôi đã trải nghiệm; người chọn rìu chọn nó có lẽ bởi có một sự kết nối giữa hình thù, hoạt tiết của nó với những khoái thú ngũ quan mà họ đã từng trải nghiệm. Vậy là khoái thú tinh thần trở nên hiện hữu rõ nét hơn, dù không biết rằng nó có phải từ khoái thú ngũ quan mà ra không. Nhưng điều rõ ràng là nó cho ta một cảm nhận một lần nữa cái mà ta đã dùng ngũ quan mà cảm trong quá khứ. Đó là lý do vì sao mỗi người lại cảm cái nghệ thuật theo cách khác biệt, cũng là lý do vì sao người ta được phép suy ra, cảm cái tác phẩm nghệ thuật theo cách riêng của mình – làm sao ta biết ông/bà tác giả muốn nói gì, mà cái nói của họ là cái họ cảm được, mà cái đó thì không giống cái ta cảm được. Khoái thú tinh thần ưu việt hơn ở chỗ nó trường tồn và cao siêu, phải chăng bởi ta không cảm nhận được nó trực tiếp một lần nữa. Con người sống trên đời này và nuôi dưỡng mình bởi những khoái thú ấy. Nghệ thuật – một cách truyền thụ và là một nơi chứa đựng khoái thú tinh thần – cũng là nguồn nuôi dưỡng của con người, trợ giúp và thỏa mãn con người. Chính bởi vậy, nó mang tính nhân đạo.
Trong những bức ảnh mà tôi trông thấy, cũng có người, nhưng không biết có tính người không, bởi nó sặc mùi giả dối. Không phải bởi người trong bức ảnh, mà bởi những câu chuyện đằng sau ấy không đẹp và hoàn mỹ như vốn trông thấy.
Nghệ thuật có giả dối không? Thưa là nếu xét từ góc độ hiện thực thì ĐẦY. Làm gì có chị nào là chị vợ trong truyện “Vợ Nhặt” của Kim Lân ở ngoài đời thực. Chính ông ấy bảo ông ấy đi gom góp từ nhiều người vào mà ra cái chị ấy. Nhưng chớ có đòi hỏi các nhà văn phải là các nhà khoa học. Nhà văn có cách riêng của họ. Trong chừng mực của mình, họ cho phép điều đó, bởi cách của họ là đi từ chi tiết để thấy toàn thế. Mà muốn thế, cái chi tiết, rành mạch mà họ xây dựng nên phải có tính điển hình. Với họ, miễn sao là không đi trái với qui luật cuộc sống và xu hướng vận động là được. Nghe có vẻ phức tạp.
Nhưng câu chuyện đời thực lại đầy rẫy những phức tạp, ẩn sau vẻ ngoài giản đơn của nó. Những tấm ảnh tôi đã thấy, những nụ cười trên ảnh của tình nguyện viên chương trình đã khiến tôi nghĩ ngợi lung lắm. Tôi chợt nhớ ra cũng nhiều lần mình cười như thế, trong các chương trình tình nguyện, mà giờ nhớ lại tôi cũng chẳng hiểu tại sao bản thân vui tới như thế, vì quanh đi quẩn lại, tôi trong ảnh của lúc ấy vẫn cười, mà tôi của hiện tại phải tự hỏi mình đã hạnh phúc thật sao . Thật đáng buồn bởi chuyện chẳng còn gói gọn trong lúc đi tình nguyện mà là trong mọi tấm ảnh tôi từng có.
Nghệ thuật ngày càng phát triển tới mức độ cao hơn. Giờ thì phương tiện lưu giữ khoái cảm ngũ quan chẳng còn đơn thuần là vài hình chạm khắc, hay câu chữ, nó còn là những tấm ảnh, những thước phim. Oái oăm thay, thế nào chăng nữa thì nó vẫn cứ giả dối. Giả dối trong cái chừng mực đã nói thì chẳng bàn tới làm chi. Giả có tí chút hình tượng mà nói lên được sự thật cuộc đời thì âu cũng là chấp nhận được. Nhưng đáng sợ nhất là cái chi tiết làm giả nhằm thêu dệt nên một sự thực giả. Không chắc rằng khi ấy nó có còn được gọi là nghệ thuật không, chỉ biết là nó vẫn trú dưới cái vỏ bọc nghệ thuật.
“Make Color”, “Làm màu”, hay mấy cái thước phim ngắn ngắn mà các bạn cứ cười toét hay làm đỏm ấy. Nó chứ còn ai vào đây nữa. Trước ống kính trước hết là ta cứ phải là con người mà xã hội gán cho ta là đã. Chiếc thuyền chở ảnh trước mắt tôi cũng gợi cho tôi nhiều nghi ngờ, bởi chính tôi cũng là kẻ đã cười trong những tấm ảnh khác, đã là người mà họ muốn tôi là trong những bức ảnh, đoạn phim. Đương nhiên, chẳng có ai lên án cái chuyện hành xử, thái độ khác nhau khi có một mình, khi trước máy ảnh, hay trong một nhóm bất kì nào đó cả. Bởi vì đó là điều mà chúng ta luôn làm. Các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng con người trong các nhóm có những vai trò và tương ứng với nó là những vị thế khác nhau. Vai trò, vị thế ấy lẽ đương nhiên sẽ gắn với những mẫu hành xử nhất định mà ta bắt buộc phải tuân theo. Như là ta trong gia đình và ta với bạn bè chẳng thể nào giống hệt nhau được.
Vậy là ta không sai khi đứng trước camera và cười hay hạnh phúc giả tạo. Ta chỉ khổ vì nó mà thôi. Bởi vì bản thân tấm ảnh hay thước phim ấy, đáng nhẽ là nơi ghi lại những khoái thú ngũ quan của ta, để sau này là cái khoái thú tinh thần – cái cho phép ta tận hưởng tới suốt cuộc đời mình cảm giác hạnh phúc, hay có khi đau khổ đó. Vậy mà giờ nhìn đâu cũng thấy mình cười. Thú thực là hơi “hốt”. Vì trong ấy ta biểu hiện vậy mà lại không phải như vậy, ta biểu hiện vậy vì có người khác đang ghi lại nó, và việc biểu hiện khác đi có khả năng khiến ta lâm vào tình trạng bị phán xét. Người khác có thể xem ta qua một bức ảnh, thước phim hay bài viết, nhưng họ coi đó là mắt thấy tai nghe, là toàn bộ câu chuyện; coi nó là sức mạnh cao hơn cả lòng tin họ dành cho ta. Tôi còn nhớ mình từng đọc được câu truyện cười trong cuốn “Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar..”, ở đó có một anh chàng đi làm về thì phải, trông thấy vợ mình nằm trên giường với thằng bạn thân. Người bạn thấy anh ta vội hốt hoảng phân trần theo kiểu không ai ngờ tới: “Cậu tin tôi hay là tin vào mắt cậu”….
Lo lắng hơn cả là khi ngay cả ta cũng quên mất mình là ai luôn. Mải đóng vai quá thành ra cái quá trình “tháo mặt nạ” gần như biến mất. Những công cụ ghi lại những giây phút tuyệt vời của kỉ niệm giờ trở thành chủ nợ lúc nào cũng kè kè bên cạnh, đòi ta phải lên sân khấu của ông ta như “Kép Tư Bền” ngày nào. Ngủ còn không được tha cơ mà, cứ xem hoa hậu Kỳ Duyên là rõ.

Nhận xét

Đăng nhận xét